Chi thường xuyên lớn "không chỉ cho bộ máy mà cho cả người dân"

Theo Thanh Hằng/baochinhphu.vn

Nhiều vấn đề liên quan tới thu - chi ngân sách và nợ quốc gia đã được làm rõ trong các phiên thảo luận tại Quốc hội những ngày qua.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.

Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng: Chủ trương của Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy về tiếp tục cải cách hành chính tinh giản bộ máy hành chính là rất đúng đắn.

Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin, truyền thông thực hiện có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ dẫn đến có việc hiểu lầm.

"Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước tới gần 70%, nhưng chi thường xuyên trong này có 13 nội dung chi; trong đó có chi cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội..., chứ không chỉ là chi cho bộ máy”, đại biểu phát biểu và kiến nghị cần đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ.

“Chúng ta chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục, đó là nhà nước đang bao cấp cho người dân, tức là chi cho người dân trong hai lĩnh vực này, nếu không, chúng ta đi bệnh viện, đi học phải đóng tiền như các đơn vị tư nhân. Việc chi của nhà nước là chi cho cả người dân chứ không chỉ vì cho bộ máy,"- đại biểu nhấn mạnh và khẳng định chi cho bộ máy hành chính chỉ khoảng 10% chi thường xuyên.

Tỷ lệ nợ Chính phủ đang giảm mạnh

Liên quan tới băn khoăn của một số đại biểu về tình hình nợ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh - đã làm rõ thêm một số thông tin.

Ngoài ra lý giải nợ quốc gia tăng, Phó Thủ tướng cho biết cơ cấu nợ này gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Phó Thủ tướng khẳng định hiện nay, tỷ lệ nợ Chính phủ trong nợ quốc gia giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân thì tăng lên.

“Vừa qua có việc doanh nghiệp của Thái Lan ThaiBev mua lại cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị khoảng 5 tỷ USD nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp này phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tương tự như vậy khi Vingroup vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để xây dựng Hãng ô tô Vinfast. Các doanh nghiệp tự nhân phải trả khoản này. Khi bán được ô tô, họ sẽ có dòng tiền để trả nợ và nợ này sẽ giảm. Việc này có rủi ro là tỷ giá và lãi suất USD có tăng lên nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát việc này.”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ.

Phó Thủ tướng cho rằng nhận định của một số đại biểu Quốc hội cho rằng nợ công tăng cao hơn GDP là chính xác nhưng nhìn lại 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực để giảm mức tăng của nợ công. Từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6% nhưng nợ công tăng gấp 3 lần ở mức 18%. Hiện nay, nợ công vẫn tăng nhưng chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7%.

Đối với bảo lãnh Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết năm 2017, Chính phủ không bảo lãnh cho doanh nghiệp nào. Năm 2018 Chính phủ chỉ bảo lãnh cho 2 dự án quan trọng của ngành điện còn năm 2019 thì hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp nhằm bảo đảm an toàn nợ công.

Tại đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Quốc hội thảo luận sâu về thu chi ngân sách Nhà nước.

Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Đừng có mặc áo quá đầu. Liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối, kể cả nợ công. Nếu đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng đúng mức, hiệu quả. Tất nhiên nếu dừng lại không làm gì cũng chết nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, năm 2018, chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016 - 2020 (25 - 26%) . Mặc dù hàng năm vẫn bảo đảm nguồn tăng lương cơ sở 7% nhưng tỷ trọng chi thường xuyên vẫn giảm còn 63,3%,  thấp hơn đầu nhiệm kỳ (năm 2015 là 67,7%) và kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%).

Bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.