Chính phủ điện tử: Việt Nam xếp thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á

TCTC (Tổng hợp)

Mới đây, Liên Hợp quốc đã công bố báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử năm 2016 với chủ đề là “Chính phủ điện tử trong hỗ trợ phát triển bền vững”. Theo đó, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á về tốc độ phát triển Chính phủ điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là báo cáo lần 9 của Liên Hợp quốc (vào các năm 2001, 2003, 2004, 2005, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016), đưa ra đánh giá về mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc Liên hợp quốc. Khảo sát này không nhằm mục đích đánh giá sự phát triển theo các chỉ số tuyệt đối mà là giá trị tương đối, so sánh tương quan giữa các nước được khảo sát với nhau.

Theo báo cáo này, đã có sự tăng trưởng trong nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử rất cao (chỉ số lớn hơn 0,75) từ 25 nước (13%) năm 2014 lên 29 nước (15%); các nước mới gia nhập nhóm này là Slovenia; Lithuania; Thụy Sỹ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). 34% (65 nước) các nước có chỉ số Chính phủ điện tử phát triển cao (có chỉ số từ 0,5 đến 0,75), 35% (67 nước) các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trung bình (có chỉ số từ 0,25 đến 0,5); còn lại 32 nước (16%) có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử thấp (nhỏ hơn 0,25).

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam là một trong những nước đã có những tiến bộ về mức độ phát triển Chính phủ điện tử. Cụ thể, Việt Nam đã từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao; thứ hạng chung tăng 10 bậc, đứng thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (báo cáo năm 2014 xếp hạng 99).

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6, sau các nước: Singapore (thứ 4); Malaysia (thứ 60); Philippines (thứ 71); Thái Lan (thứ 77) và Brunei (thứ 83).

Qua báo cáo có thể thấy rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu, kết quả đáng kể trong việc phát triển chính phủ điện tử. Tuy chỉ đứng thứ 6 trong khu vực về chỉ số chung, nhưng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chúng ta đứng thứ 4 trong khu vực.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ về Chính phủ điện tử là “phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EDGI) của Liên hợp quốc”, chúng ta vẫn còn phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa.