Chính sách bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai

PV.

Đó là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”, do Bộ Tài chính tổ chức tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 21/2/2017.

Toàn cảnh Hội thảo "Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó rủi ro thiên tai", ngày 21/2/2017.
Toàn cảnh Hội thảo "Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó rủi ro thiên tai", ngày 21/2/2017.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017.

Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các quan chức tài chính APEC, chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF) và các doanh nghiệp bảo hiểm...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai và giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước.

Đối với chính sách bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, các chính sách tài chính nhằm phòng, chống, khắc phục rủi ro thiên tai đã được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng chế độ, chính sách. Cụ thể:

Một là, thực hiện miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu vào ngân sách nhà nước đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.

Hai là, bố trí ngân sách chi đầu tư và chi thường xuyên hàng năm cho các chương trình, dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kinh phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng cho hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, tránh thiên tai; kinh phí đảm bảo hoạt động của hệ thống các cơ quan chịu trách nhiệm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai các cấp; kinh phí di dời dân cư ở vùng bị thiên tai; kinh phí trợ cấp, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Ba là, sử dụng kịp thời các khoản dự phòng, dự trữ cho công tác phòng, chống, khắc phục rủi ro thiên tai:

Giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, tổng số hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh là 11.239 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng nguồn dự phòng NSTW) cho các nhiệm vụ: đầu tư sửa chữa, nâng cấp các dự án, công trình đê kè chống sạt lở và các dự án quan trọng cấp bách nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, mưa đá, lốc xoáy, bão; di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xử lý sạt lở; hỗ trợ người nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung... 

Ngoài ra, nguồn dự phòng NSTW cũng được sử dụng để xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như: bổ sung cho các bộ, ngành mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp (1.800 tỷ đồng); xử lý, khắc phục điểm sạt lở; hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng công trình kè sạt lở, xử lý khẩn cấp sạt lở, diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn... 

Sử dụng kịp thời nguồn dự trữ quốc gia cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai: xuất cấp lương thực, thuốc men, giống cây trồng... cho các địa phương bị thiệt hại. Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú y, giống cây trồng... là trên 4.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương để cứu đói cho người dân vùng bị thiên tai. 

Thực tế cho thấy, với trên 800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thuộc cả 3 đối tượng là bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm con người mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai đều có mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với các rủi ro thiên tai.

Các rủi ro thiên tai được bảo hiểm trong một số nghiệp vụ

Nghiệp vụ bảo hiểm

Đối tượng được bảo hiểm

Rủi ro thiên tai

được bảo hiểm

1. Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ



- Bảo hiểm hỗn hợp có thời hạn 5 năm và 10 năm;

- Bảo hiểm an sinh giáo dục;

- Bảo hiểm sinh mạng có thời hạn;

- Bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm.

Con người

Bão, lũ lụt, động đất,

núi lửa, sét đánh

2. Nghiệp vụ bảo hiểm con người



- Bảo hiểm tai nạn hành khách;

- Bảo hiểm tai nạn lao động;

- Bảo hiểm khách du lịch;

- Bảo hiểm tai nạn thuyền viên;

- Bảo hiểm tai nạn học sinh, sinh viên;

- Bảo hiểm tai nạn con người;

- Bảo hiểm tai nạn lái phụ xe;

- Bảo hiểm sinh mạng.

Con người

Tất cả các rủi ro thiên tai trừ rủi ro động đất,

núi lửa

3. Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại



- Bảo hiểm xây dựng và lắp đặt;

- Bảo hiểm dầu khí.

Tài sản

Bão, động đất, núi lửa,

lũ lụt, sét đánh

4. Nghiệp vụ bảo hiểm vận chuyển đường bộ,

đường biển, đường sông, đường sắt, đường không



- Bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu;

- Bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu;

- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa .

Tài sản

Động đất, núi lửa, bão,

lũ lụt, sét đánh

5. Nghiệp vụ bảo hiểm thân tầu và trách nhiệm dân sự chủ tầu:



- Bảo hiểm thân tầu biển, tầu pha sông biển;

- Bảo hiểm vật chất tầu sông, tầu cá;

Tài sản

Bão, lũ lụt, động đất, núi lửa, sóng thần, sương mù

6. Nghiệp vụ bảo hiểm hàng không



Bảo hiểm thân máy bay;

Tài sản

Bão, sét đánh, sương mù

7. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới



Bảo hiểm vật chất xe;

Tài sản

Bão, lũ lụt, sét đánh, động đất, mưa đá.

8. Nghiệp vụ bảo hiểm thiệt hại kinh doanh



Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Lợi ích tính bằng tiền

Bão, lũ lụt, sét đánh, động đất, mưa đá

9. Nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp:



Bảo hiểm vật nuôi, cây trồng.

Vật nuôi cây trồng

Bão, lũ lụt, úng, hạn hán, sâu bệnh, giá rét

Nguồn: Bộ Tài chính

Cùng với đó, Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện trong năm 2011-2013) được coi là một trong số các công cụ, biện pháp hạn chế thiệt hại của ngân sách nhà nước. Kết quả là sau 3 năm triển khai Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp; Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.748 tỷ đồng; Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp đến thời điểm 30/10/2014 là 707,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện với quy mô hạn chế tại 20 tỉnh, thành phố (bao gồm 65 huyện và 748 xã) và đang được tiếp tục đánh giá, bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi trước khi có thể trở thành một cơ chế lâu dài, ổn định và triển khai áp dụng một cách rộng rãi.

Những khó khăn trên đã chỉ ra rằng, sự cần thiết của việc phát triển sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn, nhằm chuyển đổi từ cơ chế tài chính thụ động (tài trợ sau khi thiên tai xảy ra) sang cơ chế tài chính chủ động (tài trợ trước khi xảy ra thiên tai).

Bên cạnh đó, việc áp dụng bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam cũng phải đối mặt với một số khó khăn như: (i) Mức độ thâm nhập còn thấp, thường chỉ có tài sản thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tham gia bảo hiểm tài sản; (ii) Chưa có quy định giám sát thận trọng về bảo hiểm thiên tai; (iii) Phí bảo hiểm thiên tai chưa được tính toán đầy đủ.

Được biết, nội dung trao đổi chuyên sâu tại Hội thảo này được đúc kết thành bản báo cáo ban đầu, đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào ngày 23-24/2/2017 về các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Ngoài ra, chủ đề trao đổi của Hội thảo được thảo luận và xây dựng kế hoạch triển khai cho cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Theo đó, sáng kiến kinh nghiệm chia sẻ về chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai trong khu vực APEC sẽ được ghi nhận và thông qua bởi các Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017.