Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững

PV. (Tổng hợp)

Đó là chủ đề của Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 vừa diễn ra sáng nay (25/9/2017) tại TP. Đà Nẵng với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 10 tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Thuận và hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp miền Trung và cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung
Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Tốc độ tăng trưởng của Vùng duyên hải bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%; năng lực cạnh tranh xếp hạng khá, riêng TP. Đà Nẵng xếp thứ nhất liên tiếp trong 2 năm 2015-2016.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thời gian qua, các tỉnh miền Trung đã làm được hai vấn đề quan trọng là bước đầu hợp tác phát triển du lịch và đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn sẽ thảo luận và đưa ra được những giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong liên kết vùng thông qua phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực này trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng.
"Liên kết vùng, liên kết trong các địa phương nội vùng, giữa vùng này với vùng khác là vấn đề tất yếu và hết sức quan trọng." - Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn cần tập trung thảo luận 4 vấn đề chính:
Thứ nhất, làm rõ động lực của liên kết các tỉnh miền Trung là gì?;
Thứ hai, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương đánh giá rõ thuận lợi và khó khăn để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện cơ chế liên kết vùng và thể chế điều phối kinh tế cho các vùng kinh tế;
Thứ ba, thảo luận kỹ về thể chế điều phối vùng trong điều kiện không làm tăng thêm bộ máy, biên chế để đề xuất với Trung ương quyết định;
Thứ tư, đánh giá tiềm năng lợi thế cơ hội thách thức của miền Trung trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0.