Công bố 03 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Theo Kim Thanh/dangcongsan.vn

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa ký văn bản công bố 03 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, tại Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 ngày 7/2/2018, UBTVQH quyết nghị thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi thành lập 02 phường và thành phố Phúc Yên: Thành phố Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường Đồng Xuân, Hùng Vương, Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 02 xã Cao Minh, Ngọc Thanh.

Tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 07 huyện và 02 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, 15 phường và 12 thị trấn.

Tại Nghị quyết số 485/NQ-UBTVQH14 ngày 8/2/2018 về giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến hết tháng 6 năm 2017, UBTVQH tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 237/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Đoàn giám sát của UBTVQH về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến hết tháng 6 năm 2017.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, UBTVQH yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chú trọng kiểm tra việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong việc phân cấp, phân quyền; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt; thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương....

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi ban hành nghị quyết, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng chất lượng công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, chủ trì trình nghị quyết nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của  nghị quyết.

Tăng cường hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, nghiên cứu ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân...

Tại Nghị quyết số 487/NQ-UBTVQH14 ngày 12/2/2018, UBTVQH phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 02 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 tại một số quốc gia.

Cụ thể: Đồng chí Phạm Vinh Quang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa In-đô-nê-xi-a kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Ti-mo Le-xte và Nhà nước Độc lập Pa-pua Niu Ghi-nê.

Đồng chí Tạ Văn Thông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Niu Di-lân kiêm nhiệm Cộng hòa Phi-gi và Nhà nước Độc lập Xa-moa./.