Củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân

PV.

Sáng ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi. Quốc hội sẽ làm việc trong 24 ngày (không kể ngày nghỉ) và bế mạc vào ngày 21/11/2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

“Tin tưởng và kỳ vọng” là suy nghĩ của đa số cử tri trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa kết thúc với việc nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đưa ra thảo luận. Điều đáng chú ý và được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm trong buổi khai mạc đó là Báo cáo thẩm tra về thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

So với các kỳ họp trước, Báo cáo thẩm tra lần này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, bức tổng thể với những mặt được và những mặt còn hạn chế của năm 2018. Đúng như lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 15/10/2018), Báo cáo thẩm tra đã nêu rất đúng và trúng. Do đó, cử tri cả nước rất phấn khởi và yên tâm vào sự điều hành của Đảng, của Nhà nước.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra.

Trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao.

Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ…

Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo...

Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phản ánh đúng trọng tâm, trọng điểm

Tại phiên khai mạc, một số đại biểu Quốc hội chia sẻ: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã cho thấy một bức tranh tổng thể nền kinh tế nước ta. Báo cáo đã phản ánh một cách thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cần làm rõ; nêu đầy đủ các dẫn chứng để minh chứng cho những nhận định thẩm tra, đã thuyết phục được các đại biểu Quốc hội và tạo sự yên tâm cho cử tri cả nước.

Bên cạnh việc nhấn mạnh về những kết quả tích cực, Báo cáo thẩm tra cũng nêu lên một số vấn đề còn khiến cử tri và nhân dân lo lắng như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn do chưa đủ thời gian lấy phiếu).

Việc lấy phiếu tín nhiệm này cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước, bởi ngoài phân định rõ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, việc làm này còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của đại biểu Quốc hội, đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội.