Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ

PV.

Phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Hội trường trong hai ngày 2-3/11 đã tập trung thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội, tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và bày tỏ tin tưởng trong định hướng và phương châm hoạt động của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ. Nguồn: internet
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ. Nguồn: internet

Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội cũng như Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. 

Nhận xét về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ rất sát thực, trực diện về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ đã thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Theo đó, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/13 chỉ tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; các khó khăn cho sản xuất kinh doanh được tập trung tháo gỡ; tái cơ cấu kinh tế đạt được những kết quả bước đầu tích cực...

Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể chế hóa pháp luật, khẩn trương đưa pháp luật vào cuộc sống. Qua đó, đã khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Phương châm nói đi đôi với làm cũng được Chính phủ sát sao thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của Chính phủ với lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với kiểm tra, giám sát. Cách làm này, bước đầu đã tạo những bước chuyển biến rất tích cực ở các bộ, ngành, địa phương.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) dẫn chứng, thành công trong điều hành của Chính phủ được thể hiện rõ qua việc Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam tăng 9 bậc trong bảng tổng sắp môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 92/190 nước trên thế giới, xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN và quyết định nâng bậc cho Chính phủ Việt Nam về chất lượng thể chế.

Những kết quả đó đã thể hiện được quyết tâm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. "Hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo, vì dân ngày càng hiện hữu rõ nét"- đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận định.

Nhận định về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, các nội dung trong báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn mới.

Qua hơn 5 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế đã có những đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, đứng trên bờ vực suy thoái. Đặc biệt, việc chọn 3 khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu đã đạt được những kết quả tích cực.Theo các đại biểu, những kết quả đó là tiền đề vững chắc cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập quốc tế, quản lý nhà nước về thông tin truyền thông...