Đại biểu Quốc hội tán thành nhiều nội dung sửa đổi của Luật Hải quan

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hải quan và nhiều nội dung quy định trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu Luật. Nguồn: mof.gov.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu Luật. Nguồn: mof.gov.vn
Hệ thống tổ chức hải quan chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật hải quan và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hải quan (Điều 12), cơ quan quản lý nhà nước về hải quan (Điều 100), có ý kiến cho rằng, Điều 12 và Điều 100 của dự thảo Luật chưa làm rõ mối quan hệ giữa Tổng cục hải quan và Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan; chưa xác định rõ Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của cấp nào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục hải quan trực thuộc Bộ Tài chính. Quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật là nhằm xác định hệ thống tổ chức hải quan theo ngành, trong đó Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan là người đứng đầu cơ quan quản lý chuyên ngành về hải quan.

Còn quy định tại Điều 100 của dự thảo Luật nhằm xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hải quan. Sự phân cấp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan trực thuộc như tổng cục, cục, chi cục... sẽ do Luật tổ chức Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết điều chỉnh. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ nội dung này như trong dự thảo Luật.

Về hệ thống tổ chức hải quan, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong điều kiện hội nhập quốc tế và quá trình hiện đại hóa hoạt động hải quan hiện nay, việc tổ chức cơ quan hải quan phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm hệ thống tổ chức hải quan chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả. Đây cũng là xu hướng tổ chức của hải quan các nước trên thế giới.

Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho kế thừa quy định của Luật hải quan hiện hành, tổ chức Cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tránh cách hiểu có thể tổ chức hai Cục hải quan trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong việc thành lập Cục hải quan để làm cơ sở cho Chính phủ quy định tiêu chí thành lập Cục hải quan, cụ thể “Chính phủ căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn để quy định tiêu chí thành lập Cục hải quan...” (khoản 2 Điều 13).

Cho ý kiến về hệ thống tổ chức hải quan, theo đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định), cần luật hóa, rà soát các quy định về chế độ, về chức danh tiêu chuẩn, vấn đề lương và phụ cấp thâm niên đối với cán bộ hải quan cũng như chế độ khác. Bởi vì những chế độ chính sách này được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngành Hải quan đã thực hiện ổn định từ nhiều năm nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức hải quan tuy có quy định trong dự án luật, nhưng cần có thêm một số quy định có tính nguyên tắc để sau này áp dụng cho cán bộ, công chức hải quan đủ điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thời hạn kiểm tra sau thông quan 5 năm là phù hợp

Về thời hạn, thẩm quyền, trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan hay trụ sở người khai hải quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, xuất phát từ việc thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kiểm tra sau thông quan là khâu quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Hiện nay, Luật quản lý thuế cũng đang quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan tại trụ sở cơ quan quản lý thuế (cơ quan hải quan) và tại trụ sở người nộp thuế (người khai hải quan).

Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định vấn đề này theo hướng: việc kiểm tra sau thông quan được tiến hành tại trụ sở cơ quan hải quan và tại trụ sở người khai hải quan trong thời hạn là 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Quy định theo phương án này phù hợp với năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy hải quan, đồng thời thống nhất với quy định của Luật quản lý thuế, hạn chế việc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), vấn đề này qua phản ảnh của các doanh nghiệp, nếu để thời gian 5 năm là quá dài, nếu được kiểm tra sớm hơn có thể rút doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và rút kinh nghiệm hoạt động trong các hoạt động xuất, nhập khẩu. Nếu để 5 năm thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đối với những chứng từ hải quan không hợp lệ và sẽ khó khắc phục, có thể còn bị phạt gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngoài ý muốn.

Tăng thẩm quyền xử lý hành vi buôn lậu

Về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 89), theo quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phạm vi hoạt động của cơ quan hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ... nếu không quy định cho phép lực lượng hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.

Xuất phát từ thực tiễn khó khăn, phức tạp của việc phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như tình hình gia tăng loại tội phạm này, đồng thời để bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cùng với việc tiếp tục giao nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho lực lượng hải quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thẩm quyền cho tương ứng với nhiệm vụ của lực lượng hải quan.

Theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mặt khác, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 102) sửa đổi một số quy định có liên quan trong Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, đề nghị Quốc hội cho nghiên cứu, bổ sung các thẩm quyền này trong quá trình sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự và xây dựng Luật tổ chức điều tra hình sự.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án trên của dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) tán thành cao việc trao thẩm quyền cho Chi cục trưởng Chi Cục hải quan, đội trưởng đội kiểm soát hải quan và đội trưởng đội kiểm soát trên biển được dừng phương tiện và các hành vi khác. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, để chặt chẽ hơn nữa, vẫn phải theo trình tự, thủ tục của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), trong tình hình đang phức tạp hiện nay trên biển Đông thì cần cả lực lượng kiểm ngư và lực lượng hải quan. Đại biểu đề nghị phải cụ thể hóa hơn, nhất là phải cụ thể hơn thẩm quyền của cơ quan hải quan được thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển nội thủy, lãnh hải của nước ta, phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần được bổ sung vào dự thảo để luật hóa tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động của lực lượng kiểm soát hải quan đạt hiệu quả như biện pháp vận động quần chúng, điều tra, nghiên cứu nắm tình hình các biện pháp trinh sát cần thiết như biện pháp cơ sở bí mật, tổ chức đấu tranh chuyên án trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật. Đồng thời, cho phép lực lượng hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm để bảo đảm tính thống nhất và thẩm quyền của lực lượng hải quan tại dự thảo Luật lần này với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng): Tôi tán thành với việc sửa đổi Luật hải quan là nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định góp phần phục vụ chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hải quan, tạo môi trường pháp luật thống nhất đồng bộ và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Hải quan hiện hành.