Đánh giá và tôn vinh kịp thời cống hiến của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Việc triển khai công tác khen thưởng thành tích kháng chiến và khen thưởng quá trình đóng góp cống hiến luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo cơ quan TĐKT thực hiện.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hùng Minh – Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (TĐKT), Bộ Tài chính nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV TBTCVN.

Ông Nguyễn Hùng Minh
Ông Nguyễn Hùng Minh – Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng
Phóng viên: Xin ông một vài đánh giá về việc triển khai công tác khen thưởng thành tích kháng chiến và khen thưởng quá trình cống hiến của các thế hệ cán bộ, cán bộ lãnh đạo qua các giai đoạn cách mạng và cho ngành Tài chính thời gian qua?

Ông Nguyễn Hùng Minh: Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã làm khá tốt công tác này, giải quyết được quyền lợi cán bộ, đem lại niềm tin, sự hài lòng và sự công bằng; đánh giá, tôn vinh kịp thời cống hiến của các thế hệ cán bộ, cán bộ lãnh đạo qua các giai đoạn cách mạng và cho ngành Tài chính. 

Tuy nhiên, do chính sách chế độ chưa bao quát hết, tiêu chuẩn khen thưởng có yêu cầu về mốc thời điểm công tác; thời gian công tác và thời gian giữ các loại chức vụ thuộc danh mục khen thưởng rất khác nhau, trong khi Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có quá trình xây dựng và phát triển đã gần 70 năm.

Việc xác định danh mục các chức vụ và quy đổi chức vụ, chức danh tương đương để đề nghị khen thưởng cần phải tra cứu hồ sơ gốc của cán bộ, tra cứu lịch sử tổ chức bộ máy ngành Tài chính qua các thời kỳ nên còn nhiều trường hợp vướng mắc chưa được giải quyết.

Trường hợp chưa đủ phải nhờ cán bộ, hoặc thân nhân gia đình cán bộ (đối với trường hợp đã mất) cung cấp, kê khai… Công việc yêu cầu tinh thần trách nhiệm cao, tỷ mỉ và thận trọng vì việc khen thưởng người có công, (đặc biệt đối với cán bộ đã nghỉ hưu), không chỉ đảm bảo quyền lợi theo quy định, mà trên hết thể hiện sự quan tâm, đánh giá của Nhà nước, của Bộ, đối với sự đóng góp cống hiến của các thế hệ cán bộ trong ngành Tài chính.

Như ông vừa cho biết, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng cán bộ đông, có rất nhiều chức danh, chức vụ, phụ cấp lãnh đạo cần phải cân nhắc khi quy đổi với nhiều thời điểm công tác khác nhau của cán bộ, chắc hẳn trong quá trình triển khai sẽ gặp không ít những khó khăn, vướng mắc?

Việc khen thưởng đối tượng là cán bộ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Năm 2013, Bộ Tài chính mới trình Trung ương cho vận dụng các trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có thời gian trước đây (hoặc sau này) đã kinh qua công tác quản lý nhà nước (giữ chức vụ vụ trưởng, phó vụ trưởng). Các trường hợp chỉ làm lãnh đạo doanh nghiệp thì chưa trình được vì lý do trên.

Trong năm 2014, các văn bản pháp luật mới về TĐKT được ban hành, (Luật TĐKT đã được sửa đổi bổ sung mới, có hiệu lực từ 1/6/2014; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 1/7/2014 của Chính phủ bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị định 42 và Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ), có bổ sung thêm một số chức danh lãnh đạo và quy định về phụ cấp lãnh đạo thuộc danh mục khen thưởng... Từ đó sẽ tạo điều kiện để việc xét khen thưởng được thuận lợi hơn, số lượng cán bộ được khen thưởng sẽ nhiều hơn, giải quyết được một phần các trường hợp còn vướng mắc trước đây.

Để làm tốt công tác này và thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ, theo ông thời gian tới cần có những việc làm cụ thể gì, thưa ông?

Đây là một lĩnh vực công tác khá đặc biệt, liên quan đến tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ công chức, trách nhiệm chăm lo quan tâm đến cán bộ hưu trí. Đồng thời việc xác định, thẩm định, đối chiếu, quy đổi có yêu cầu cao hơn về hồ sơ tài liệu gốc; cán bộ làm công tác này, ngoài việc nắm được các quy định về đối tượng tiêu chuẩn khen thưởng, còn phải hiểu được chính sách về lao động tiền lương, tổ chức bộ máy.

Vì vậy, để làm tốt công tác này và thực hiện đầy đủ chính sách chế độ Nhà nước quy định; đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương.

Đối với các đơn vị trong  ngành Tài chính, đặc biệt là các tổng cục và tương đương có tổ chức bộ máy hệ thống dọc cần quan tâm chỉ đạo cơ quan TĐKT và các cán bộ chuyên trách làm công tác TĐKT kết hợp tốt với cán bộ tổ chức cán bộ của đơn vị mình, triển khai tích cực công tác rà soát, thống kê đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng để lập danh sách trình Bộ (qua Vụ TĐKT), trình Nhà nước khen thưởng kịp thời.  

Việc này sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện và hoàn thành sớm việc khen thưởng cho  người có công  đến nay chưa được giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Về khen thưởng quá trình cống hiến, kể từ năm 2008 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Nhà nước khen thưởng, điều chỉnh mức khen thưởng (hoặc truy tặng) cho 213 trường hợp (trong đó có 55 trường hợp truy tặng) cán bộ hưu trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp Bộ, cấp Vụ, cấp Cục qua các thời kỳ thuộc các đơn vị trong ngành (cơ quan Bộ, Thuế, Hải quan, UBCK, Vật giá, KBNN, Dự trữ...), trong đó có 55 trường hợp truy tặng.