Đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế

PV.

Đó là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trước tình trạng tội phạm trong lĩnh vực này gia tăng và diễn biến phức tạp thời gian qua.

Lực lượng chống buôn lậu Hải quan Hải Phòng tiến hành khám phá lô ngà voi.
Lực lượng chống buôn lậu Hải quan Hải Phòng tiến hành khám phá lô ngà voi.

Nhiều vụ vi phạm xảy ra trong 6 tháng đầu năm

Theo thông tin từ Tổng cụ Hải quan (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 8.148 vụ việc liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 300,6 tỷ đồng; thu nộp NSNN ước đạt 60,62 tỷ đồng; khởi tố hình sự 20 vụ, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 38 vụ.

Trong thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Tổng cục Hải quan đã tiến hành 34 cuộc. Trong đó, Thanh tra Tổng cục thực hiện 7 cuộc (05 cuộc theo kế hoạch, 02 cuộc đột xuất), Cục Hải quan địa phương thực hiện 27 cuộc. Qua thanh tra chuyên ngành đã kiến nghị truy thu hơn 18,276 trệu đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/6/2016, tổng số qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và nội bộ, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị truy thu, truy hoàn và xử lý vi phạm hành chính hơn: 25.206 triệu đồng(trong đó, số tiền thuế kiến nghị truy thu hơn: 22,773 triệu đồng, truy hoàn: 887, 682 triệu đồng và số tiền xử phạt hành chính: 2,432 triệu đồng).

Tổng cục Hải quan cũng đã tiến hành kiểm tra 149 cuộc kiểm tra nội bộ tại 159 lượt đơn vị. Trong đó, triển khai kiểm tra theo kế hoạch 73 cuộc và đột xuất 76 cuộc. Qua công tác kiểm tra Thanh tra Tổng cục Hải quan đã kiến nghị thu hơn 6,930 triệu đồng.

Theo Cục Quản lý thị tường (Bộ Công Thương), thời gian qua, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát, sản phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm… Phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Hàng hóa được cất giấu ngụy trang rất khó phát hiện.

Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm

Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật phức tạp thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; bảo đảm thực hiện tốt công tác điều tra và thi hành án; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trước hết là ở các thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm. Năm 2016 và những năm tiếp theo, tiếp tục duy trì và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, yêu cầu đã được đề ra.

Tập trung đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phức tạp xảy ra ở các lĩnh vực: Đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, thuế, tài chính, ngân hàng, thương mại, các loại tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, giết người, cướp tài sản, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm có yếu tố nước ngoài…

Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt, bảo đảm 100% các vụ việc ngay khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển đến cơ quan điều tra xem xét việc khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra phải kịp thời thông báo cho cơ quan thanh tra kết quả giải quyết vụ, việc.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án. Xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết khác để thi hành nghiêm túc các luật đã được thông qua.