Đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình PPP

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Hoàn thiện tổ chức, hệ thống số liệu và rà soát từng dự án, tỷ lệ thu hút vốn đầu tư… để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình đối tác công - tư (PPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP với các Bộ, ngành, địa phương vào ngày 30/6.

Sau cuộc họp giao ban lần trước, công tác triển khai các nhiệm vụ liên quan đến triển khai mô hình đầu tư mới và cần thiết này vẫn còn nhiều vấn đề.

Trong quý I/2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định quan trọng về PPP và lựa chọn nhà đầu tư, được coi là khung pháp lý quan trọng của chương trình PPP Việt Nam, được cộng đồng nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc ban hành các thông tư hướng dẫn chung và riêng từng lĩnh vực vẫn còn chậm. Nhiều ngành, địa phương cho rằng đây là vướng mắc lớn làm cho nhiều dự án PPP "dậm chân tại chỗ".

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành cũng chưa hoàn thiện nhiệm vụ rà soát lại danh mục dự án PPP, lựa chọn dự án để gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự là việc tổng hợp, thống kê nghĩa vụ tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP đã ký với nhà đầu tư, số liệu vốn của dự án có đóng góp của tư nhân đã triển khai chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn đầu tư toàn ngành.

Kiểm điểm cụ thể một số dự án điển hình như: Đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, nhà máy xử lý nước thải An Nghiệp, đường liên cảng Nhơn Trạch, dự án cấp nước nông thôn cho một số địa phương,... thì hầu hết đều đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và có những khó khăn nhất định về thủ tục, phân định trách nhiệm tài chính...

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo nhanh chóng có những biện pháp tổng thể, rà soát, chấn chỉnh tình trạng chậm trễ, chưa quan tâm đúng mức đối với việc triển khai mô hình đầu tư rất quan trọng và thiết yếu trong bối cảnh, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong lĩnh vực này, các ngành, địa phương liên quan phải có bộ phận chuyên trách, như mô hình cấp vụ của Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai thời gian qua, bảo đảm năng lực chuyên môn của những cán bộ chuyên trách PPP - vốn là vấn đề khó, phải tổng hợp rất nhiều từ chính sách, pháp luật, tài chính,...

Các cơ quan triển khai phải quan tâm, có thay đổi nhận thức về PPP, có giao ban riêng vấn đề này với hệ thống số liệu báo cáo đầy đủ.

Các Bộ, ngành chủ động xây dựng sớm để ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đầu tư theo mô hình PPP trong lĩnh vực phụ trách trên cơ sở Nghị định 15/2015/NĐ-CP mà Chính phủ đã ban hành.

Chậm nhất cuối năm nay phải hình thành toàn bộ hệ thống số liệu của từng ngành, làm việc với các địa phương, triển khai các dự án để tổng hợp, có giải pháp đôn đốc, triển khai... theo yêu cầu đề ra.

"Các Bộ đăng ký 55 dự án, 36 địa phương đăng ký hơn 240 dự án,... Từ hồi đăng ký đã làm được bao nhiêu dự án rồi, ngồi kiểm điểm từng dự án để đẩy lên. Có thể nói là rất bất cập, khi có nhiều dự án, nhiều lĩnh vực mà lẽ ra Nhà nước phải làm mà không còn lực để triển khai, vì đã mất quá nhiều để làm những việc mà có thể thu hút đầu tư từ bên ngoài", Phó Thủ tướng nói.

Đồng ý với chủ trương triển khai một số dự án PPP tiên phong, Phó Thủ tướng lưu ý cần lựa chọn các dự án quy mô lớn, thời gian triển khai dài để xây dựng "hình ảnh" thu hút PPP với cộng đồng tổ chức tài chính, nhà đầu tư, tài trợ quốc tế như đề xuất của Văn phòng nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xúc tiến nguồn vốn ODA để thành lập nguồn vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.