Để ngày hội lớn của nhân dân thành công rực rỡ

PV.

Trong những ngày này, trên khắp các địa phương trên cả nước, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm. Bởi, hơn ai hết mỗi người dân nói chung và các cấp chính quyền đia phương đều hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công.

Thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của nhân dân cả nước diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tổ chức bầu cử thành công là dấu mốc quan trọng đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến cơ sở và ý thức trách nhiệm, vai trò làm chủ của nhân dân.

Đây cũng là lần đầu tiên được tiến hành theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 - đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay sau khi Hiến pháp 2013 ra đời bởi tầm hệ trọng và tính thời sự của nó.

Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ mang tầm của một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, mà cùng với thành công rực rỡ từ Đại hội XII của Đảng, ngày bầu cử (22/5/2016) sắp tới còn là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Nói về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng khẳng định: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành dược nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội".

Để đảm bảo thành công rực rỡ

Nhằm đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thành công, ngày từ nhiều tháng trước côngtác chuẩn bị đã được triển khai ở tất cả các câp, ngành, địa phương. Điển hình như, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai đầy đủ, đúng quy định về các nội dung, công việc phục vụ cho ngày bầu cử.

Hội nghị đã truyền đạt đầy đủ tinh thần, nội dung cơ bản của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành về cuộc bầu cử đến các đại biểu, các cơ quan và tổ chức hữu quan. Đặc biệt, Hội nghị còn đề cao và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc góp sức, góp công xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Với tinh thần đó, các cấp các ngành, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ chỉ đạo, thực hiện triển khai các bước chuẩn bị. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, những tài liệu văn bản hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, các bước tiến hành, quy định về bầu cử của Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải được quán triệt sâu sắc để mọi người nắm vững quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong bầu cử, ứng cử để thực hiện.

Đặc biệt, tuyên truyền công tác bầu cử phải gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải hiểu và nắm vững, nâng cao nhận thức, học tập tư tưởng của Bác: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Trong tuyên truyền cần quan tâm những vấn đề cử tri và nhân dân còn băn khoăn, thắc mắc, những vấn đề lớn và cần thiết phải được giải đáp trong chuyên mục hỏi - đáp về bầu cử. Mặt khác, cần quan tâm tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát thanh, các hình thức pa-nô, áp phích, cờ, khẩu hiệu, các hình thức cổ động, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi chuẩn bị cho bầu cử.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo cũng tập trung vào làm tốt công tác lựa chọn nhân sự giới thiệu đại biểu ứng cử. Phải tạo được sự thống nhất nhận thức về tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu. Tiêu chuẩn là những vấn đề cần và đủ của đại biểu về phẩm chất, năng lực đề thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao mà luật bầu cử đã quy định. Đó làtrung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ sức khỏe, kinh nghiệm công tác. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Số lượng đại biểu bảo đảm cơ cấu hợp lý đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, các dân tộc, tôn giáo, tri thức, doanh nhân, người ngoài Đảng...

Với ý nghĩa to lớn, lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.