Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:

Điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm chi triệt để

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Tình hình thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) hiện đang là vấn đề cấp bách trong các chương trình nghị sự Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng cho ngân khố quốc gia đang eo hẹp dần, trong khi nhiều nhiệm vụ chi quan trọng vẫn đang “trông chờ” phía trước.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong các chương trình thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN, ĐBQH yêu cầu cần làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thu NSNN. Bộ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?

Điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm chi triệt để - Ảnh 1
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tăng trưởng kinh tế là nền tảng cơ bản tạo ra nguồn thu NSNN. Những năm trước, khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao thì thu NSNN tăng nhanh. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, thì thu NSNN cũng chậm, nợ thuế tăng.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu thu hiện nay của chúng ta, một số khoản thu lớn còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài, như thu dầu thô (có lúc chiếm khoảng 1/3 tổng thu ngân sách, hiện giảm còn 10-12%, phụ thuộc vào sản lượng khai thác và giá thế giới); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá cả thị trường thế giới và tỷ trọng hàng hóa
 chịu thuế,...

Yếu tố điều chỉnh chính sách cũng có tác động đến kết quả thu. Việc giảm nhanh chính sách động viên và miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thời gian qua đã có tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên đã làm giảm thu ngân sách. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại cũng làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn (do thoái vốn, tăng trích dự phòng rủi ro).

Cơ chế chính sách và công tác quản lý thu thời gian qua tuy đang từng bước được hoàn thiện, nhưng cũng còn chỗ chưa chặt chẽ, cùng với việc quản lý điều hành hiệu quả chưa cao, dẫn đến tình trạng một số đối tượng gian lận, trốn lậu thuế. Chất lượng công tác dự báo và lập dự toán NSNN cũng còn hạn chế.

Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ chế, cải cách thủ tục đến việc tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương tăng cường quản lý thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, đẩy mạnh xử lý nợ đọng để phấn đấu tăng thu thêm cho ngân sách.

Thưa Bộ trưởng, trong khi thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực?

Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đã trình bày cụ thể nguyên nhân thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2013 tăng trên 26 nghìn tỷ đồng so với dự toán, chủ yếu là do thực hiện ghi chi quản lý qua NSNN (khoảng 24 nghìn tỷ đồng) đối với một số trường hợp có số thu được để lại tái đầu tư theo chế độ quy định và phê duyệt của cấp có thẩm quyền như: đầu tư trở lại cho ngành Dầu khí; xử lý thu tiền sử dụng đất, chi đầu tư cho hạ tầng,...; bên cạnh đó, còn bổ sung từ nguồn dự phòng NSNN để thực hiện các dự án cấp bách về đê, kè và khắc phục hậu quả thiên tai đột xuất trong năm, theo qui định của pháp luật.


Thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 sau khi đảm bảo các nhiệm vụ chi bắt buộc phải tăng, các nhiệm vụ chi còn lại giảm trên 25 nghìn tỷ đồng so với năm 2013. Vì vậy, dự toán năm 2014 trình Quốc hội bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại đều thấp hơn so với dự toán năm 2013 (chi đầu tư phát triển bằng 93%, chi thường xuyên bằng khoảng 90% dự toán năm 2013).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Thưa Bộ trưởng, phải chăng việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; nhiều chế độ, chính sách triển khai thực hiện chậm dẫn đến dư chi ngân sách, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau?

Luật NSNN quy định, việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.

Theo đó, khi xây dựng và ban hành các chính sách, chế độ mới đều đòi hỏi phải được thẩm định, đánh giá về các mặt tác động, hiệu quả và giải pháp đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện chính sách, chế độ đó.

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên thời gian qua là việc lồng ghép chính sách làm chưa tốt, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng trùng lắp về đối tượng và chồng chéo về nội dung chi, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng vốn, kinh phí của nhà nước.

Bên cạnh đó, một số chính sách khi ban hành nhưng chậm cụ thể hóa, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện; có trường hợp kinh phí đã bố trí nhưng chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết phải chuyển nguồn sang năm sau, hoặc hủy bỏ. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tổng kết, đánh giá và thực hiện các giải pháp quyết liệt để khắc phục những yếu kém này.

Đối với năm 2013, với quan điểm điều hành NSNN chặt chẽ, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải thường xuyên rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để thực hiện giảm, giãn tiến độ chi đối với các nhiệm vụ không thật cần thiết, cấp bách; không ban hành các cơ chế, chính sách có tác động đến tăng chi NSNN. Số kinh phí đã bố trí nhưng không thực hiện sẽ thu hồi bổ sung dự phòng ngân sách để đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.

Có ý kiến cho rằng, dự toán chi NSNN năm 2014 tăng 2,9% so dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay. Bộ trưởng lý giải thế nào về vấn đề này?

Năm 2014, toàn bộ dự toán chi NSNN (kể cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) tăng 2,9% so với dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các khoản chi tăng: chi trả nợ; chi để thực hiện mức tiền lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng; chi để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng chi sự nghiệp kinh tế để đảm bảo một số nhiệm vụ mới, đảm bảo chi cho quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...

Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 sau khi đảm bảo các nhiệm vụ chi bắt buộc phải tăng, các nhiệm vụ chi còn lại giảm trên 25 nghìn tỷ đồng so với năm 2013. Vì vậy, dự toán năm 2014 trình Quốc hội bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, các khoản phụ cấp, các chính sách chế độ theo qui định) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013 (chi đầu tư phát triển bằng 93%, chi thường xuyên còn lại bằng khoảng 90% dự toán năm 2013).

Để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi phải tiết kiệm triệt để; theo đó:

Bố trí giảm khoảng 50% dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia so với năm 2013, ưu tiên tập trung cho Chương trình Giảm nghèo, Việc làm và Dạy nghề, Nước sạch và môi trường nông thôn,... Trong từng chương trình, bố trí tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, tiết giảm tối đa chi tuyên truyền hội nghị, hội thảo, kinh phí quản lý chương trình.

Giảm 10% chi thường xuyên ngoài lương của các cơ quan, đơn vị; không bố trí mua xe công (trừ xe chuyên dùng như xe cứu thương, xe cứu hỏa,...); đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm, chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, đoàn ra,...

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!