Đối thoại nhằm nâng cao nguồn lực và chất lượng đầu tư cho trẻ em

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Từ ngày 24-26/9, Bộ Tài chính và UNICEF đồng phối hợp tổ chức Hội nghị Đông Á và Thái Bình Dương về tài chính công chính sách xã hội và trẻ em. Tham dự Hội nghị có đại diện Chính phủ từ 17 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương cùng giám đốc văn phòng UNICEF tại các khu vực. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vương Đình Huệ và ông Daniel Toole, Giám đốc Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của UNICEF đồng chủ trì Hội nghị.

Đối thoại nhằm nâng cao nguồn lực và chất lượng đầu tư cho trẻ em

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết mặc dù Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức của biến động kinh tế toàn cầu tiếp tục tiếp diễn, nhưng Đảng, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng rất quan tâm đến các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ em. Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, Hội nghị được tổ chức là cơ hội  cho các đối thoại giữa Bộ Tài chính và các Bộ ngành xã hội có vai trò quan trọng trong việc bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em, cung cấp một diễn đàn để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia về nâng cao chất lượng đầu tư cho trẻ em, nhằm đạt được sự đồng thuận về các chính sách trong lĩnh vực tài chính công cho trẻ em.  Thông qua diễn đàn lần này, Hội nghị sẽ mở ra một cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam với UNICEF và các quốc gia thành viên trong tương lai, Bộ trưởng cho biết.

Hội nghị lần này là bước tiếp nối Hội nghị Singapore về Khủng hoảng kinh tế và Trẻ em đã tổ chức năm 2009 và Hội nghị cấp cao về Quyền Trẻ em diễn ra tại Bắc Kinh năm 2010. Hội nghị  là cơ hội để khởi xướng hoặc tăng cường đối thoại giữa các Bộ Tài chính các nước, Vụ Kế hoạch và Ngân sách các Bộ Y tế, Giáo dục và Xã hội và UNICEF trong khu vực về quản lý tài chính công trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và đối với trẻ em; Cung cấp một diễn đàn cho đối thoại liên bộ về giải quyết vấn đề nghèo trẻ em và khoảng cách giàu nghèo thông qua phân bổ nguồn ngân sách tốt hơn cho an sinh xã hội và trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, đồng thời thảo luận về cách thức đảm bảo sự bền vững của chính sách và các chương trình thúc đẩy công bằng cho trẻ em trong thời điểm biến động kinh tế và thắt chặt tài chính.

Đối thoại nhằm nâng cao nguồn lực và chất lượng đầu tư cho trẻ em  - Ảnh 1

Các đại biểu dự hội nghị

Các tham luận và số liệu được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế khu vực trong hơn hai thập kỷ qua đã giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Các chỉ số xã hội cơ bản cũng cho thấy một sự tiến bộ đáng kể. Tính từ năm 1990, tỉ lệ tử vong trẻ em đã giảm 68% và đa số các trẻ em trong khu vực được đi học tiểu học. Tuy những thành quả đạt được là rất lớn, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ, đó là sự chênh lệch giữa các nước, là hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người dân không thể tiếp cận được với các thành tựu về kinh tế xã hội như các dịch vụ y tế cơ bản, giáo dục…vì lý do nghèo hay địa bàn sinh sống ở vùng xa xôi hẻo lánh. Điều đáng bàn là đối tượng bị tác động đặc biệt, dễ tổn thương nhất bởi những bất ổn này lại chính là trẻ em.

Những thách thức đang đặt ra cho các Chính phủ liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là tác động của khủng hoảng tới trẻ em như: Bảo vệ trẻ em khỏi tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế; Giảm sự chênh lệch cấp địa phương của mỗi quốc gia; Thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong y tế và dinh dưỡng; Giảm sự chênh lệch trong giáo dục, phúc lợi xã hội hay môi trường tài chính trong phát triển xã hội và lồng ghép nhu cầu của trẻ em vào hoạch định và xây dựng ngân sách quốc gia là những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Hội nghị đặt mục tiêu sẽ  tăng cường sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách tài chính công và chính sách xã hội ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, qua đó, họ có thể xác định được sự đầu tư có chất lượng vào trẻ em nhằm làm giảm sự chênh lệch và trang bị cho xã hội những điều cần thiết để tiến tới một tương lại phồn thịnh như bài phát biểu của Ông Dan Toole, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF “Phát triển kinh tế và phát triển xã hội là không thể tách rời. Các chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy vốn con người thông qua cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người dân, nâng cao tiếp cận và cải thiện chất lượng giáo dục và phòng tránh ngược đãi trẻ em, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình tài chính của các quốc gia”.

Trước đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp xã giao ông Daniel Toole, Giám đốc Unicef, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, giám đốc UNICEF Hà Nội và Ông Paru Aihi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Papua New Ghine.

***Cùng ngày, tại buổi họp báo ngay sau phiên khai mạc, trả lời phỏng vấn của phóng viên, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết Nhà nước đã đang và sẽ ban hành nhìêu chính sách cho trẻ em. So với nhiều nước trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới, mức hỗ trợ cho trẻ em ở Việt Nam là cao so với điều kiện kinh tế-xã hội vốn có của mình, bởi đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đầu tư lớn ngày hôm nay để có một kết quả khả quan về kinh tế-xã hội trong tương lai.

Bên lề hội nghị, ông Daniel Toole, Giám đốc Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của UNICEF cho rằng, trong những năm qua Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc đưa ra những chính sách thiết thực nhằm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Việt Nam cần tiếp tục duy trì con đường đó nhằm đảm bảo một kết quả bền vững trong tương lai.