Động lực mới cho hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam và Nga

PV.

(Tài chính) Từ 5-7/4/2015, Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Liên bang Nga và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có những trao đổi về hợp tác năng lượng, trong đó có hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa hai nước. Kết quả trao đổi kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra động lực mới cho sự hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev.

Hiện nay, sự hợp tác của Liên bang Nga với Việt Nam đang hướng đến ngành năng lượng nguyên tử, với mục tiêu phát triển điện hạt nhân. Liên bang Nga đang cùng Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân...

Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về khoa học kỹ thuật, quân sự, đặc biệt là về điện, dầu khí và năng lượng nguyên tử. Viện trưởngViện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ôngTrần Chí Thành cho biết: "Đối với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, Liên Xô chính là “cái nôi” đào tạo nên các nhà khoa học hàng đầu của ngành, chính các thế hệ nhà khoa học này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong đó có cố GS.TS. Nguyễn Đình Tứ - Viện trưởng đầu tiên của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam".

Theo ông Trần Chí Thành, trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, nếu 50-60 năm trước đây, sự giúp đỡ hợp tác của Liên Xô chủ yếu về đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành khoa học kỹ thuật, thì 20-30 năm trước đây, sự hợp tác tập trung nhiều cho ngành năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, dầu khí).

Ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam có được thành công như hôm nay chính nhờ vào sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, ông Trần Chí Thành cho biết. Hiện nay, sự hợp tác của Liên bang Nga với Việt Nam đang hướng đến ngành năng lượng nguyên tử, với mục tiêu phát triển điện hạt nhân. Liên bang Nga đang cùng Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận và sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân để thúc đẩy ngành năng lượng nguyên tử phát triển, trong đó có điện hạt nhân.

Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân với Việt Nam, Liên bang Nga hiện đang giúp đỡ Việt Nam đào tạo hơn 300 sinh viên ngành điện hạt nhân và hàng năm cấp 800 học bổng và trong vài năm tới sẽ tăng lên hơn 1.000 học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Liên bang Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã khẳng định: “Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhạt nhân và năng lượng nguyên tử. Nga đang đào tạo các chuyên gia cho Việt Nam, để họ làm việc tốt ở các nhà máy điện hạt nhân, cũng như góp phần phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghệ hạt nhân tại Việt Nam”.

Trao đổi với phóng viên báo chí Việt Nam bên lề chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Dmitri Medvedev, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga Denis Valentinovich Manturov cho biết thêm: Nga sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam phát triển điện hạt nhân (cụ thể là Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Rosatom). Phía Nga sẽ tuân thủ trách nhiệm đã thỏa thuận trong dự án này, nhất là khi quá trình thi công sắp bắt đầu.

Đó sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, nhà máy sẽ bao gồm 2 tổ máy. Trọng tâm hiện nay đang hướng tới đào tạo nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân. Trung tâm đào tạo chuyên gia Việt Nam đã được thành lập từ tháng 8/2010, đang gấp rút thực hiện việc đào tạo này tại tỉnh Obninsk (Đại học Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Nga MEPHI).

Một thỏa thuận xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam cũng đã được ký kết từ tháng 11/2011. Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 15.000 MW, cung cấp 10% tổng sản lượng điện cả nước. Nga rất mong được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trên, vì vậy phía Nga hy vọng sẽ không chỉ dừng lại ở dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, mà còn cả những dự án tiếp theo.