Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

“Tập trung nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định về chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặt ra yêu cầu cao độ về chống lãng phí trên cả nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong tổ chức thực hiện”... Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh công tác xây dựng dự thảo sửa đổi luật lần này.

Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung trả lời phỏng vấn.

PV: Thưa Thứ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại những “điểm nóng” trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Qua gần 7 năm thực hiện, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) đã tạo được khung pháp lý cao và đồng bộ cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn bộ nền kinh tế. Việc triển khai các quy định của luật đã thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm trên nhiều mặt từ quản lý, sử dụng kinh phí NSNN đến việc quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, việc quản lý, sử dụng đất đai...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rõ nét về tiết kiệm, công tác chống lãng phí vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Nhìn chung, tình trạng lãng phí vẫn chưa được ngăn chặn, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn lực công.

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do công tác tổ chức thực hiện luật, nhiều khi chưa được quan tâm một cách nghiêm túc; chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả, dẫn đến luật còn hạn chế vào cuộc sống. Bên cạnh đó, hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn, chế độ trong việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước vẫn còn chưa sát với thực tế, dẫn đến ý thức chấp hành còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm; đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại các cấp, các ngành chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả; các quy định về thanh tra, kiểm tra, trong THTKCLP còn chưa cụ thể, làm hạn chế tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai luật.

 PV: Thưa Thứ trưởng, có thể nói, tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực hiện đã trở nên đáng báo động. Vậy, việc sửa đổi luật sẽ tập trung vào những nội dung nào, để cải thiện vấn đề này ?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Trong những năm gần đây, lãng phí vẫn diễn ra phức tạp và gây những ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Vì vậy, nội dung sửa đổi trong dự thảo luật lần này sẽ tập trung vào gia tăng liều lượng, biện pháp chống lãng phí, cụ thể:

Thứ nhất, dự thảo Luật THTKCLP (sửa đổi) sẽ bổ sung làm rõ nguyên tắc: Xác định chống lãng phí là trọng tâm, trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, được quán triệt xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách, đến tổ chức thực hiện.

Thứ hai, bên cạnh việc kế thừa những nội dung, quy định còn phù hợp của luật hiện hành và luật hóa các quy định dưới luật đã được thực hiện ổn định và có hiệu quả, dự thảo đã tập trung nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định về chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặt ra yêu cầu cao độ về chống lãng phí trên cả nước; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, dự thảo đề cập, đổi mới toàn diện các nội dung theo hướng gia tăng các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp THTKCLP; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 PV: Thưa Thứ trưởng, thời gian từ khi được giao nghiên cứu xây dựng (tháng 8/2012) đến khi trình dự án luật (tháng 5/2013) rất gấp. Tháng 12/2012, dự thảo sẽ được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Xin Thứ  trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã làm gì để dự án luật vừa bảo đảm yêu cầu tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng?

Thứ trưởng Trương Chí Trung: Đúng là thời gian rất ngắn. Do đó, việc vừa phải bảo đảm yêu cầu tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng của dự án luật là một thách thức rất lớn đối với Bộ Tài chính và Ban soạn thảo.

Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia về dự án luật. Ngoài ra, thông qua các báo cáo về tình hình THTKCLP của các bộ, ngành, địa phương gửi hàng năm (để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, theo luật định), Bộ Tài chính cũng đã thu thận được nhiều ý kiến quý báu, cả về kinh nghiệm thực hiện, cả về các kiến nghị sửa đổi luật. Vì vậy, có rất nhiều thuận lợi cho việc nghiên cứu xây dựng dự án luật.

Đến nay, Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành dự thảo Dự án Luật THTKCLP (sửa đổi) và đang gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Việc trình dự án luật ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII cơ bản sẽ đảm bảo được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!