Dứt khoát không đánh đổi phát triển kinh tế hy sinh môi trường

PV. (T/h)

Ngày 3/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri, thông báo kết quả kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Tĩnh.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn cử tri đã tín nhiệm cao, bầu vào Quốc hội khóa XIV. Phó Thủ tướng khẳng định kết quả lớn nhất từ khi Đại hội Đảng khóa XII đến nay là bước đầu đã tạo dựng được niềm tin cho người dân, cho cử tri.

Niềm tin đó ngày càng được củng cố và tăng cường, lan tỏa và thấm nhuần trong cả hệ thống chính trị. Chỉ có cố gắng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ là chưa đủ mà cần có sự ủng hộ của người dân. Nếu không lấy người dân làm mục tiêu để phục vụ, không hướng đến dân, người dân cũng không ủng hộ. “Nói phải đi đôi với làm, làm phải đến nơi đến chốn, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn sẽ cố gắng thực hiện theo tinh thần đó” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng giải trình một số vấn đề cử tri quan tâm, cho biết Chính phủ đã có quyết định giảm từ 15% – 20% phí BOT để giảm bớt khó khăn cho người dân, với quan điểm phí phải tính đúng, đủ, hài hòa lợi ích người dân, DN.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm về vấn đề này rất rõ. Mong mỏi của cử tri cũng là yêu cầu của cử tri đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ có quyết sách cấp bách trước mắt và lâu dài để thực hiện cho được mục tiêu kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tạo dựng được môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Về vấn đề phát triển bền vững, Phó Thủ tướng cho biết mục tiêu của nước ta là trong 5 năm tới phát triển nhanh hơn 5 năm trước nhưng quan trọng nhất là phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Dứt khoát không đánh đổi phát triển kinh tế để làm bất ổn xã hội hay đánh đổi phát triển kinh tế, hy sinh môi trường. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao.

Đồng tình với kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại, nâng cao, hoàn thiện quy chuẩn về bảo vệ môi trường; kỹ lưỡng, khắt khe trong việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép các dự án mới. Đối với các dự án đang tồn tại và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, không riêng Formosa, sẽ có kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá lại theo tinh thần sai phạm là phải xử lý, có đủ điều đảm bảo môi trường mới cho phép hoạt động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, trong đó có hoạt động của Formosa. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ này.

Với mong muốn của cử tri về phát triển kinh tế không để “lệch pha” giữa thu hút đầu tư nước ngoài với trong nước, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ thấy rất rõ việc này, không thể để xảy ra rủi ro có hai khu vực kinh tế trong một đất nước là khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế trong nước, thậm chí rủi ro có hai nền kinh tế trong một quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, phải chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài theo hình thức tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, chọn những dự án có trình độ công nghệ cao và quản trị hiện đại. Những DN này cũng phải có mong muốn và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam - DN dân tộc (gồm cả DN nhà nước và DN tư nhân) để DN dân tộc phát triển và kết nối hai nền kinh tế hài hòa hơn.

Về việc cấp phép đầu tư và cho thuê đất 70 năm đối với Công ty Formosa, Phó Thủ tướng cho biết sẽ rà soát lại từ Trung ương đến địa phương những người liên quan trực tiếp đến việc cấp phép, xây dựng, hoàn thành của dự án này. Dù động cơ thái độ tốt, nhưng thiếu hiểu biết hoặc kém trách nhiệm, hoặc cố ý làm trái thì bất kỳ ai vẫn phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Chính phủ đang giao các cơ quan trung ương và địa phương rà soát, kiểm tra việc này, sai đến đâu, sai như thế nào sẽ công bố rõ ràng với cử tri và nhân dân cả nước.

Phó Thủ tướng mong muốn cử tri đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Sự cố là quá lớn, phức tạp, nghiêm trọng chưa từng có và Việt Nam chưa có kinh nghiệm xử lý, nên 3 tháng công bố được kết quả là hết sức tích cực. Cần phải nhận thức đúng việc này, tuyên truyền cho bà con hiểu, thông cảm với Đảng, với Chính phủ, tránh để thế lực xấu kích động, tuyên truyền không đúng, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc.