Giàn khoan Hải Dương 981 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tuyến đường biển

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Lộ trình của các hãng tàu biển từ phía Nam Việt Nam đi khu vực Bắc Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đúng như những gì ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), lo ngại, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam kèm theo hàng trăm tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự đã làm ảnh hưởng đến tuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ khu vực TP. Hồ Chí Minh đi các nước khu vực Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và các cảng ở Hồng Kông, Đài Loan.

Ví dụ cụ thể là tàu SITC LINE của Nhật Bản đã phải thay đổi hướng di chuyển khi đang chở hàng đi qua khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Đại diện của hãng tàu SITC tại Việt Nam xác nhận, hôm 28/5 tàu SITC LINE chở hàng từ Nhật Bản đi về phía Nam của Việt Nam, khi đi gần nơi Trung Quốc đang đặt giàn khoan thì bị các tàu bảo vệ của Trung Quốc lệnh phải di chuyển theo một hướng khác.

Dù lịch trình của tàu SITC LINE không bị thay đổi nhiều nhưng đại diện hãng tàu này lo ngại việc có hàng trăm tàu bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự hoạt động trong phạm vi rộng gần đường hàng hải quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của các tàu chở hàng trọng tải lớn.

Ông Hoàng Trọng Khánh, Phó tổng giám đốc hãng tàu KMTC  (Korea Marine Transport Co.Ltd) tại Việt Nam, cho biết hiện tại lịch trình các chuyến tàu của hãng ông chưa bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên xuất nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Hải Phòng giảm khoảng 5-10%.

Hãng tàu CMA CGM tại Việt Nam cũng có tàu đi các tuyến Bắc Á. Ông Dương Quốc Chiến, Giám đốc hãng này, cho biết tàu của CMA CGM khi đi qua khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép phải tránh xa hàng chục hải lý để đảm bảo an toàn. Ông cho rằng nếu những căng thẳng tiếp tục kéo dài tại khu vực này thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến việc đi lại của các tàu chở hàng mà còn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước, trong đó có cả Trung Quốc. Mối lo ngại cụ thể của ông Chiến là mạng lưới vận tải P3 do CMA CGM liên kết với Maersk Line và MSC để vận tải trên các tuyến Á - Âu, xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương dự kiến sẽ hoạt động vào quí III/2014 có thể phải dừng lại.

Có thể thấy, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam gần với đường hàng hải quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự do hàng hải trên biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.

Hiện tại, trong tổng số 39 tuyến đường hàng hải đang hoạt động trên thế giới, có đến 29 tuyến đi qua biển Đông. Trung bình mỗi ngày có 150-300 lượt tàu biển vận chuyển qua vùng biển này, trong đó có khoảng 50% là tàu trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Do vậy, bất kỳ một xung đột nào xảy ra trên biển Đông, dù ở mức độ nào, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến vận tải huyết mạch này và gây hoang mang cho các hãng tàu biển trên thế giới.

Tầm quan trọng của các tuyến hàng hải trên biển Đông đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định khi trả lời báo chí nước ngoài hôm 30/5. Thủ tướng khẳng định khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Với hai phần ba khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu đi qua biển Đông, chỉ một hành động thiếu trách nhiệm gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này, và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở biển Đông.

Hiện các hãng tàu vẫn đang theo dõi sát tình hình ở khu vực này để có phương án phù hợp. Nhiều hãng đang lên các phương án dự phòng để luân chuyển hàng hóa qua đường khác trong trường hợp xảy ra những xung đột.