Gợi mở động lực phát triển quốc gia trong thời kỳ mới

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế

Những gợi mở quan trọng cho công cuộc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia và phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cả hiện tại và tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng cao và toàn diện…

GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp”.
GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp”.

Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác hàng đầu thế giới, như TPP, AEC… Với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận được những thay đổi và chuyển dịch của môi trường bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt. Câu hỏi thời sự được quan tâm hiện nay là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế thì cần phải thực hiện như thế nào?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tôi tâm đắc những nội dung trình bày tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp TW, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức mới đây.

Đặc biệt, một số thông điệp lớn đã được GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong kết luận tại hội thảo. Chúng tôi cho rằng có thể coi đó là những gợi mở quan trọng cho công cuộc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia và phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cả hiện tại và tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng cao và toàn diện. Những nội dung quan trọng đó là:

Thứ nhất, sự phân tích những nội dung các bộ chỉ số và tiêu chí thành phần đo lường sức cạnh tranh vừa cho phép nhận diện đúng, vừa gợi mở và mặc định trước giải pháp khắc phục những hạn chế trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi tham chiếu, cần chú ý tới thực chất trên thực tế, không nên tuyệt đối hóa và lệ thuộc một chiều, thụ động vào một bộ chỉ số đo lường nào, do những sai số ngẫu nhiên và cả chủ ý cố tình khi thực hiện và công bố kết quả đánh giá môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có sự tham gia đồng bộ của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và các hiệp hội, tổ chức xã hội dưới sự chỉ đạo thống nhất và triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, nhất quán của nhà nước; kết hợp hài hòa các yếu tố quốc tế với tính đặc thù quốc gia; sớm áp dụng các bộ tiêu chuẩn thông dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hoàn thiện theo các mức độ phù hợp với cam kêt hội nhập trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký, cũng như hướng đích tới các tiêu chí cao nhất không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển…. Đồng thời, chú ý tới nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp về công nghệ, vốn, quản trị, thị phần, chất lượng và giá cả, năng lực đổi mới sản phẩm; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý, kiểm soát quyền lực, kiểm soát lợi ích liên kết nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ; tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường...

Thứ ba, cần đề cao tính hành động thông qua một số chương trình quốc gia nhằm cụ thể hóa các nội dung triển khai, như: Chương trình về hoàn thiện các bộ chỉ số của Việt Nam; Chương trình về phát triển thể chế và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần xem xét hoàn thiện thể chế quốc gia về chỉ đạo và quản lý hội nhập trong một Hội đồng (hoặc Ban chỉ đạo) Quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nhằm tiết kiệm chi phí, tránh chồng lấn hoặc kẽ hở trong phối hợp, chỉ đạo thống nhất và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên mọi cấp độ và lĩnh vực…

Thứ tư, thông điệp nổi bật và đang được thực tế kiểm định, nhất là từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu khởi đầu từ Mỹ năm 2008 và hiện vẫn còn tác động theo nhiều mức độ khác nhau trên thế giới cho thấy: Đã, đang và sẽ không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các tập đoàn kinh doanh “đại gia” và các nền kinh tế hàng đầu; Thế giới đang chứng kiến những xu hướng mới và vai trò ngày càng tăng về sự phát triển khoa học công nghệ; về ảnh hưởng của nợ và khủng hoảng tài chính trong việc gây ra khủng hoảng chu kỳ, sự bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị của mỗi quốc gia và toàn cầu; Đề cao yêu cầu về sự phối hợp hài hoà bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, đa dạng hoá và phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quản lý phát triển; thúc đẩy tái cấu trúc toàn diện và hội nhập; tăng cường dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin của người dân và người tiêu dùng vào chính sách quốc gia và trên thị trường, nhất là thị trường tài chính.

Đặc biệt, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần có sự gắn kết chặt chẽ đa chiều với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một quá trình mở, liên tục, nhất quán, được đẩy nhanh hơn trong những điều kiện nhất định. Để tạo sức bật về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, tập trung vào một số nội dung mấu chốt là ổn định bền vững kinh tế vĩ mô; nâng cao năng suất lao động theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Đồng thời, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh; thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia.