Cử tri TP. Hồ Chí Minh:

Gửi gắm niềm tin vào ứng viên đại biểu Quốc hội khóa mới

PV.

Trước thềm bầu cử Quốc hội lần thứ XIV, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra các hoạt động vận động, tiếp xúc cử tri của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là ứng viên đại biểu Quốc hội. Đáng chú ý, tại các buổi tiếp xúc cử tri Thành phố mang tên Bác, các cử tri đều gửi gắm niềm tin vào ứng viên đại biểu Quốc hội khóa mới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cử tri quận 4, TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cử tri quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Cần lên tiếng mạnh mẽ “nói không” với thực phẩm không an toàn

Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri của TP. Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều vấn đề nổi cộm đang tồn tại trong đời sống thường ngày, trong đó vấn đề được nhiều cử tri quan tâm nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều ý kiến của cử tri mong muốn việc cần làm ngay, đó là đại biểu Quốc hội cần lên tiếng mạnh mẽ “nói không” với thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe con người. 

Cử tri Trần Văn Phước, trú tại xã Hoài Phú, huyện Củ Chi mong muốn đối với ứng cử viên sau khi đắc cử, cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như báo, đài đã đưa tin về tình trạng thực phẩm không an toàn, dùng hóa chất trong sản xuất và bảo quản thực phẩm. 

Cùng quan điểm với ý kiến này, cử tri Trần Bá Nguyên trú tại quận 3 cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn nhưng tình trạng thực phẩm không an toàn không được cải thiện nhiều.

Hiện nay, thực phẩm không an toàn không chỉ xuất hiện ở các chợ, ở những gánh hàng rong, mà còn có trong các siêu thị uy tín, nơi mà rất đông người tiêu dùng tin tưởng là bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri tỏ rõ sự đồng tình khi thông tin cho biết từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với người chăn nuôi dùng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm, thậm chí tới 20 năm.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để hơn nữa vấn đề này, các cử tri TP. Hồ Chí Minh mong muốn nhiệm kỳ tới Quốc hội cần đề ra giải pháp phải đẩy mạnh công tác quản lý thực phẩm; tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả cũng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn.

Đại biểu Quốc hội cần gần dân, sâu sát dân

Trước tình trạng tham nhũng ở nước ta vẫn đang hiện hữu trong nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều lĩnh vực. Tham nhũng đã được xem như là “quốc nạn”, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế, đảo lộn các giá trị đạo đức và quan hệ xã hội. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ. 

Tuy nhiên, các cử tri cho rằng, khâu phát hiện tham nhũng, lãng phí còn yếu, trong khi việc khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác những cá nhân có biểu hiện tham nhũng cũng chưa cao cho dù pháp luật đã có cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố giác tham nhũng nên rất mong cử tri chung tay phòng, chống vấn nạn này.

Để góp phần phòng, chống, ngăn chặn tình trạng này các cử tri cho rằng, đại biểu Quốc hội cần gần dân, sâu sát dân để dân phản ánh những vấn đề thiết thực, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ. Qua đó, đại biểu Quốc hội mới đưa tiếng nói của cử tri đến các cơ quan chuyên trách giải quyết một cách thấu đáo, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân một cách tốt nhất, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

Cử tri Lê Văn Hiếu (quận 3) thẳng thắn bày tỏ: Quốc hội các khóa trước làm rất tốt vai trò lập pháp nhưng dường như “bỏ quên” vai trò giám sát. Vì thế, mong Quốc hội khóa XIV cần nâng cao vai trò giám sát chứ không để tình trạng như đã từng xảy ra. Cử tri này cho rằng, nếu ứng viên nào cũng cam kết không tham nhũng thì ít nhất có mấy trăm đại biểu Quốc hội là những tấm gương không tham nhũng chắc chắn người dân sẽ rất tin tưởng.

Cử tri Trần Quân Ngọc (quận 1) nêu câu hỏi: Tại sao tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra, đáng nói là những người tham nhũng lại có chức, có quyền? Ông cũng mong rằng, các ứng viên khi trở thành đại biểu Quốc hội hãy xứng đáng với lòng tin của dân.

Quyết liệt đấu  tranh giữ gìn chủ quyền Biển Đông

Bên cạnh các vấn đề trên, các cử tri cũng đặc biệt quan tâm tới chủ quyền biển đảo, cụ thể là Biển Đông.

Về vấn đề này, cử tri Phạm Đình Long, cán bộ nghỉ hưu trú tại quận 3 chia sẻ: Chúng tôi xem báo, nghe đài thấy chủ quyền đất nước bị xâm phạm đều tỏ ra bức xúc, rồi lại rất xót xa cho bà con ngư dân bám biển. Là công dân Việt Nam, chúng tôi luôn luôn dõi theo và hướng về Trường Sa, Hoàng Sa và muốn biết rõ thông tin trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Cử tri Đỗ Văn Thịnh cũng trú tại quận 3 tỏ ra lo lắng: Thời gian qua, ngư dân miền Trung đánh cá xa bờ trong vùng biển chủ quyền, nhưng bị tàu nước ngoài cản trở, gây khó khăn, thậm chí đâm chìm. Vùng biển bao năm của ngư dân để làm ăn, sinh sống từ thế hệ này qua thế hệ khác đang bị đe dọa, lòng dân hoang mang, lo lắng.

Nhiều cử tri mong tiếng nói và hành động của đại biểu Quốc hội phải cụ thể thiết thực để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và đề xuất Đảng và Nhà nước ta cần thiết ra Nghị quyết để bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Bởi, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng việc sử dụng sức mạnh tổng hợp với các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp luật trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Nhưng trước hết, để bảo đảm cho ngư dân yên tâm bám biển thì các lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ ngư dân phải đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh để bảo vệ nhân dân và Tổ quốc.