Hướng gỡ “nút thắt” tài chính cho giáo dục

Huy Thắng (Chinhphu.vn)

Công bằng nhưng không cào bằng, các ngành có nhu cầu nhân lực lớn phải xã hội hóa, bên cạnh đó thực hiện giảm bao cấp song song với việc đa dạng hóa nguồn thu, chúng ta mới có cơ sở nâng chất lượng đào tạo.

Hướng gỡ “nút thắt” tài chính cho giáo dục - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trao đổi về một trong những hướng gỡ nút thắt cơ chế tài chính cho giáo dục.

Thưa Thứ trưởng, vẫn có ý kiến băn khoăn là lương giáo viên và học phí tăng nhưng liệu chất lượng giáo dục có tăng tương xứng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Có thực tế là lương tăng nhưng chất lượng giáo dục không tăng kịp so với tăng lương. Tôi cho rằng muốn tăng chất lượng giáo dục đòi hỏi thêm nguồn lực (như tăng đầu tư phục vụ trực tiếp cho sinh viên). Tránh tình trạng do nguồn thu thấp nên có trường phải tuyển nhiều sinh viên, mà hậu quả là chất lượng giảm sút.

Do đó, để tăng chất lượng giáo dục đòi hỏi giải pháp tổng thể huy động nguồn lực xã hội như từ những người học có điều kiện và các nguồn ngoài học phí thu từ như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học.

Học phí là vấn đề nhạy cảm, để đảm bảo hiệu quả, trước hết phải tính đủ chi phí đào tạo. Ví dụ, trong điều kiện bình thường, đào tạo 1 sinh viên Y khoa có thể mất 50 triệu đồng/khoá, sinh viên kinh tế khoảng 30-40 triệu đồng/khoá. Tuy nhiên, để thực hiện thu đủ vẫn cần phải có lộ trình. Bởi vì nếu tính đủ chi phí cho 1 sinh viên (như mức trên) có thể sẽ khó tạo được sự đồng thuận xã hội.

Tuy nhiên, có lĩnh vực, có đối tượng Nhà nước phải bao cấp hoặc khuyến khích người học thì vấn đề học phí cũng có thể khác. Ví dụ, Nhà nước phải đảm bảo bao cấp với những đối tượng thật sự khó khăn hoặc những ngành nghề rất quan trọng với đất nước như khoa học cơ bản, hạt nhân nguyên tử thì cần khuyến khích người học. Còn những ngành “hút” sinh viên như ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin thì người muốn học có thể phải đóng góp 1 khoản chi phí tương xứng. 

Thưa Thứ trưởng, hiện nay ở nước ta đã có mô hình đại học nào thực hiện tốt tự chủ tài chính?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Thực tế, Việt Nam đã có một số mô hình gần đạt chuẩn quốc tế, học phí cao hơn mức trung bình nhưng khá rẻ so với du học, ví dụ Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Đại học Quốc tế lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong giảng dạy và nghiên cứu. Giảng viên của Đại học Quốc tế thu hút từ 3 nguồn, là Việt kiều đang giảng dạy ở nước ngoài, sinh viên du học về nước và giảng viên nước ngoài của các trường liên kết và trao đổi hợp tác với trường.

Để có cơ sở vật chất và điều kiện học tập chất lượng cao, Đại học Quốc tế áp dụng mức học phí 1.500 USD/năm và dự định tăng thêm để nâng chất lượng đào tạo. So với đại học công lập trong nước, mức học phí này khá cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với du học. 

Đáng chú ý, đầu ra của sinh viên Đại học Quốc tế được mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) kiểm định và công nhận chất lượng.

Thưa Thứ trưởng, vậy chúng ta phải có cách nào để tăng mức đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực 3 năm đã quy định chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất cho giáo dục đào tạo, song doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận các thủ tục hành chính.

Chính vì thế, thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa về đất đai, thuế và đặc biệt là thủ tục hành chính… để tăng tính hấp dẫn cho việc đầu tư cho giáo dục.