Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Theo nhandan.com.vn

Hôm qua, 21/3, tại Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 11. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ QH khóa XIII, với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước và công tác kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước…

Tại Lễ khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Nguồn: nhandan.com.vn
Tại Lễ khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Nguồn: nhandan.com.vn

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Đúng 9 giờ, QH họp phiên khai mạc. Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; cùng các đại biểu khách mời, các đồng chí lão thành cách mạng, đại biểu QH những khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020; năm Quốc hội khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động của mình; năm tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ đan xen, kỳ họp thứ 11 là thời điểm để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới. (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

Tiếp đó, QH nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII, trên cơ sở kết quả chín tháng, Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Trong những tháng cuối năm 2015, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Năm 2015, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, hai chỉ tiêu không đạt. Ngoài chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt như đã báo cáo, còn thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 7,9% (kế hoạch là khoảng 10%). So với số đã báo cáo QH, có năm chỉ tiêu đạt tốt hơn và hai chỉ tiêu thấp hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, thấp nhất kể từ năm 2001. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được điều chỉnh chủ động, linh hoạt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 32,6%; vốn FDI thực hiện đạt 14,5 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 5%. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cho thấy những nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội cơ bản là phù hợp. (Toàn văn Báo cáo đăng trên số báo hôm nay).

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, trong những tháng đầu năm 2016, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong cả nước quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức thành công Đại hội XII của Đảng, tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; ghi nhận, đánh giá cao công tác chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp đối với gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước được tăng cường, nhất là việc Việt Nam tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới, mở ra cơ hội rất lớn và lâu dài cho phát triển đất nước.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả hoạt động của QH khóa XIII trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao, nổi bật nhất là công tác xây dựng pháp luật với việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng cụ thể hóa Hiến pháp; ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, sâu sát nhân dân của Chủ tịch nước.

Cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động phối hợp của MTTQ Việt Nam với các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội; ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới về tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực thi pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.

Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước nói chung.

Thời gian qua, mặc dù giá xăng, dầu giảm nhiều lần do giá dầu quốc tế giảm mạnh nhưng còn nhiều doanh nghiệp vẫn không giảm cước vận tải theo quy định của Nhà nước. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Cử tri và nhân dân phản ánh việc tổ chức lễ hội đầu năm, dịp Xuân Bính Thân đã tôn vinh và bảo tồn nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; các lễ hội được tổ chức an toàn, tiết kiệm, có nhiều đổi mới so với năm trước; một số nghi thức lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng mất trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết ở một số lễ hội, tình trạng cháy, nổ xảy ra ở một số nơi gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân, tình trạng đốt pháo ở một số địa phương vẫn xảy ra.

Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng trong thời gian qua của ngành y tế về giảm quá tải bệnh viện, đưa vào sử dụng nhiều cơ sở y tế hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới, phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân băn khoăn trước việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kể từ ngày 1-3-2016; kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Cử tri và nhân dân ở nhiều nơi vẫn rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra ở các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi trái phép ở nhiều nơi đã tác động xấu đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; nạn chặt phá, cháy rừng còn diễn biến phức tạp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm tra, xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm.

Cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt, như: tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía bắc; hạn hán, xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Báo cáo cho biết: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Có 10 trong số 26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,9%, thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao, năng suất lao động so với một số nước Đông-Nam Á còn thấp. Năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cải thiện nhiều; công nghiệp và dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Năng suất lao động xã hội thấp dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa bảo đảm đời sống. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, cụ thể nhưng việc triển khai và kết quả mang lại so với yêu cầu còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi thể hiện trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao; một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước. Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ chưa mang lại hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo triển khai hết sức khẩn trương, đã kịp thời sơ kết và nhân rộng nhiều mô hình quản lý, tổ chức sản xuất mới theo chuỗi giá trị thành công trong thực tiễn; tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên khoảng 68% năm 2015.

Một số ý kiến cho rằng kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, chưa giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc quá lâu của người dân về quy hoạch, về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mô hình hợp tác xã kiểu mới trong ngành nông nghiệp phát triển còn chậm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt ở các cấp, các ngành đạt kết quả khả quan tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững...

Tuy nhiên, có một số xã chạy theo thành tích đạt tiêu chí nông thôn mới đã tạm ứng trước vốn đầu tư xây dựng một số công trình nhưng chưa có nguồn vốn để cân đối cần chấn chỉnh, một số xã còn lúng túng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao hiệu quả, nâng cao thu nhập người dân chưa có chuyển biến một cách rõ rệt.

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới về KT-XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như gia nhập Cộng đồng kinh tế các nước Đông-Nam Á, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...

Tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản những bất cập trong hai năm đầu kế hoạch tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế, giảm nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp...

Cuối phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, tại kỳ họp thứ 10 đã có 2.372 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo phân loại, xử lý, còn 1.425 kiến nghị chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. QH, các cơ quan của QH đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời tất cả 58 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10. Đến trước kỳ họp thứ 11 của QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.320 trong số 1.346 kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ 98,1%, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời tất cả sáu kiến nghị, trong đó đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về giám định hàm lượng chất ma túy trong thực tiễn, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Mặc dù trong thời gian ngắn, các cơ quan của QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu, trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó một số bộ, ngành đã tổ chức nghiên cứu, có văn bản trả lời đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; một số bộ, ngành đã xác định rõ những kiến nghị cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức điều hành của bộ, ngành mình để giải quyết. Các kiến nghị cần được thông tin, giải trình đã được giải thích, trả lời cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 còn chậm, trong đó có bộ đến sát kỳ họp thứ 11 của QH mới có văn bản trả lời cử tri; có văn bản trả lời còn chung chung, chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết, nên khó khăn cho đại biểu QH khi tiếp xúc, trả lời cử tri trước kỳ họp thứ 11; nội dung báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết ở một số văn bản còn chưa rõ ràng, đầy đủ... Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở giải quyết kiến nghị của cử tri chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có quy định còn chồng chéo, chưa phù hợp với quy định của Luật. Việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời cử tri tại các kỳ họp trước đến nay vẫn còn một số bộ, ngành để tồn đọng nhiều...

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của cử tri trình QH, lựa chọn những nội dung mà cử tri kiến nghị bức xúc, phối hợp Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; kịp thời xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp trong việc tiếp xúc cử tri của đại biểu QH và quan hệ phối hợp với Đoàn đại biểu QH nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức để đại biểu QH tiếp xúc cử tri và tổng hợp kiến nghị cử tri, phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế của QH đọc Báo cáo thẩm tra Phương án điều chỉnh này. Theo đó, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản nhất trí Phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đó là: Về đất trồng lúa, Chính phủ đề nghị điều chỉnh diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn ha, giảm 52,04 nghìn ha so với Nghị quyết của QH; diện tích đất rừng phòng hộ là 4.618,44 nghìn ha, giảm 1.223,25 nghìn ha; diện tích đất rừng đặc dụng là 2.358,87 nghìn ha, tăng 87,67 nghìn ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 767,96 nghìn ha, giảm 22,04 nghìn ha; diện tích đất phát triển hạ tầng là 1.561,39 nghìn ha, giảm 17,04 nghìn ha; diện tích đất quốc phòng 340,96 nghìn ha, giảm 47,07 nghìn ha; diện tích đất an ninh là 71,14 nghìn ha, giảm 10,70 nghìn ha.

Về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ bổ sung một số giải pháp chủ yếu, đó là: Nghiên cứu sớm ban hành Luật Quy hoạch để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện và giám sát công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, tránh bỏ hoang, không sử dụng đất đai gây lãng phí. Tận dụng đất ven biển trồng thêm các cây thích hợp để chống xói mòn, xâm nhập mặn và đối với đất khu vực đô thị, đất ven đường trồng thêm cây xanh tăng độ che phủ và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo (Điều 25) là chưa phù hợp, bởi sẽ dẫn đến “khoảng trống” trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhà báo, khi có nhiều phóng viên, tuy chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo nhưng có hoạt động nghiệp vụ như những phóng viên được cấp thẻ nhà báo. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, như: trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành. Bởi vì, ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện, nhưng bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện, như: đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Các sản phẩm này có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. Trong đó, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Do vậy, đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, một số đại biểu đề nghị cần quy định khái quát, cụ thể hơn nữa. Thí dụ, khoản 3, Điều 9 (Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí) nên sửa đổi thành “Đăng, phát thông tin có nội dung chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Góp ý về quyền và nghĩa vụ của nhà báo (Điều 25), đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề nghị bổ sung nội dung: phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền khác, trái với thông tin của Nhà nước và của cơ quan báo chí chủ quản. Một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn chính sách ưu đãi, ưu tiên dành cho cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.