Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 6/3/2014, tại Chiêm Hóa - Tuyên Quang, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ cắt băng khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi.

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 1

Lễ cắt băng khánh thành Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi

Tham dự buổi lễ và cắt băng khánh thành, về phía tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm - Chủ tịch UBND Tỉnh, đồng chí Trần Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cùng đại diện chính quyền địa phương. Về phía ngành Tài chính có Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp cùng đại diện cán bộ ngành tài chính Trung ương và địa phương. Tham dự còn có các bác nguyên là công nhân, bảo vệ Nhà máy in tiền Khánh Thi trong kháng chiến chống thực dân Pháp cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Nhà máy in tiền Khánh Thi thuộc Bộ Tài chính là một trong những nơi sản xuất giấy bạc Tài chính - Đồng bạc cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, cán bộ công nhân viên cơ quan Ấn loát đã vận chuyển hơn 300 tấn máy, giấy, mực in tiền từ Nhà máy in tiền từ Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi nê - Hòa Bình theo đường sông từ Nho Quan - Vụ Bản - Tuyên Quang lên núi rừng Việt Bắc, đóng tại địa điểm Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn tiếp tục ổn định sản xuất giấy bạc phục vụ kháng chiến. Tháng 10/1947 giặc Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng triệt phá cơ quan đầu não kháng chiến, chúng tấn công vào Bản Thi nhằm triệt phá cơ sở in bạc của ta.

Biết trước được ý đồ của thực dân Pháp, công nhân cơ quan Ấn loát đã được lệnh đánh sập nhà xưởng, ngụy trang máy móc thiết bị kỹ thuật nhằm tránh sự phá hoại của địch. Trong thời khắc lịch sử đó, Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo di chuyển Nhà máy in tiền vào một khu rừng kín đáo ở Mộc Lan (cách nơi sản xuất cũ 4 km), đồng thời xây dựng thêm một cơ sở in bạc tại thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang lấy tên là Nhà máy in tiền Khánh Thi thuộc Bộ Tài chính...

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp nêu rõ “Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử đã chọn Tuyên Quang làm thủ đô kháng chiến của dân tộc. Với địa thế rừng núi hiểm trở và lòng dân kiên trung, trong suốt thời kỳ kháng chiến, Tuyên Quang đã che chở, đùm bọc cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một trong số các bộ ngành sơ tán lên núi rừng Tuyên Quang trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, từ Tú Thịnh, Minh Thanh, Phú Lương, Hùng Mỹ, Bình Nhân... ở đâu Bộ Tài chính đều được đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đùm bọc, che chở, để rồi từ đó, một nền tài chính cách mạng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những đồng bạc Tài chính - giấy bạc Cụ Hồ được sản xuất tại Nhà máy in tiền Khánh Thi đã có mặt ở các vùng kháng chiến, góp phần lưu thông tiền tệ quốc gia và trở thành vũ khí quan trọng đấu tranh với thực dân Pháp trên mặt trận kinh tế - tài chính”...

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 2

 Lễ khánh thành Di tích là sự kiện được nhân dân địa phương quan tâm và tới dự

Khắc phục khó khăn, dựa vào nhân dân, trong suốt thời gian từ năm 1947 đến cuối năm 1950, Nhà máy in tiền Khánh Thi đã in và phát hành ở vùng tự do cũng như trong vùng địch tạm chiếm nhiều loại tiền với các mệnh giá khác nhau. Trên mỗi tờ bạc đều mang hình ảnh Bác Hồ với hình ngôi sao năm cánh chìm và nhiều hình ảnh sinh động về cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta.

Sống giữa bản làng, với những người dân luôn hết lòng vì cách mạng, hơn 100 cán bộ, công nhân, trong thời gian ở tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, trong điều kiện đầy khó khăn, thử thách. Bên cạnh những nhiệm vụ chính, các cán bộ công nhân viên của nhà máy in tiền Khánh Thi luôn chú trọng công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương trong vùng, ngoài giờ làm việc cán bộ công nhân viên đến nhà dân hướng dẫn cho bà con cách tăng gia, sản xuất…

Đáp lại những tình cảm đó người dân nơi đây đã đùm bọc, chở che cán bộ công nhân nhà máy. Dân quân du kích của xã Hùng Mỹ đã tham gia trực tiếp bảo vệ an toàn Nhà máy trong suốt thời gian Nhà máy in tiền Khánh Thi hoạt động tại đây.

Trong hành trình gian nan, nguy hiểm vận chuyển thiết bị, máy móc của Nhà máy in tiền từ Chi nê - Hòa Bình lên Chiêm Hóa, trước sự chống phá ác liệt của kẻ thù, nhiều cán bộ Sở ấn loát Bộ Tài chính đã anh dũng hy sinh và nằm lại với mảnh đất Tuyên Quang. Nghĩa trang Liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội được ngành Tài chính xây dựng tại Yên Sơn như một sự tri ân của thế hệ đi sau với những người đã ngã xuống cho nền tài chính cách mạng, như nhắc nhở những thế hệ sau về truyền thống vẻ vang, tự hào của những thế hệ đi trước.

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 3

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài chính cho các bác nguyên là công nhân, bảo vệ Nhà máy in tiền Khánh Thi

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh: Công trình Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi được tỉnh Tuyên Quang đầu tư xây dựng đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với di tích lịch sử ngành Tài chính, là niềm vui và vinh dự lớn lao của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính.

Thay mặt cán bộ, công chức ngành Tài chính cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp bày tỏ lòng biết ơn của ngành Tài chính trước những tình cảm, sự bao bọc, che chở của chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến. Thứ trưởng cũng mong muốn chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa để Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi phát huy giá trị lịch sử cách mạng, trở thành điểm sáng, niềm tự hào về truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Nhân dịp này, Bộ Tài chính đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài chính” cho 12 bác và truy tặng Kỷ niệm chương cho 52 bác nguyên là cán bộ, công nhân, bảo vệ từng tham gia trực tiếp tại Nhà máy in tiền Khánh Thi - Bộ Tài chính trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cũng đến thăm và trao quà cô trò Trường mầm non thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa - ngôi trường do Tập đoàn Bảo Việt trao tặng năm 2013.

Sau đây là một số hình ảnh tại Chiêm Hóa:

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 4Lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm
 tại Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 5

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm thăm các cháu trường mầm non thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 6

Trao quà cho cô và trò trường mầm non

Khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi - Ảnh 7

Ngôi trường mần non thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa