Kinh tế ngóng giải pháp căn cơ

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Vì sao hàng nông sản làm ra không có thị trường, cổ phần doanh nghiệp nhà nước gặp khó, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đóng cửa hàng loạt… là những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tạo hội trường và sẽ đặt ra cho các Bộ trưởng ở các phiên chất vấn tại Hội trường Quốc hội vào tuần này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày (8/6), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (tỉnh Hòa Bình) mở đầu phiên thảo luận bằng nhận định, dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn của tình hình thế giới và trong nước, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, kinh tế đất nước từng bước hồi phục và có sự tăng trưởng vững chắc.

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả.

Cải cách tư pháp được tích cực triển khai. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, lần đầu tiên sau nhiều năm số người chết giảm xuống dưới 9 nghìn người. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Cao Sơn cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, đề nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; Đề nghị Chính phủ trinh Quốc hội kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ 2016 - 2020 để phục vụ các công trình hạ tầng xã hội lớn của đất nước...

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) nhận định: Những khó khăn, hạn chế cơ bản của nền kinh tế đất nước vẫn còn, kéo dài nhiều năm. Báo cáo của Chính phủ mới chỉ phản ánh tình hình, chưa phân tích nguyên nhân; Giải pháp nêu trong báo cáo vẫn mang nặng tính vĩ mô, chưa có giải pháp thiết thực để giải quyết tình hình khó khăn cho sản xuất, thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vai trò của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu để người dân ồ ạt trồng khoai lang, hành tím... xong không có đầu ra (?).

Trong sản xuất công nghiệp, phải xác định nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Tại sao các quốc gia đất đai chủ yếu là hoang mạc khô cằn mà vẫn có nền nông nghiệp xanh tốt trong khi ruộng đồng của chúng ta đang dần bị biến hành hoang mạc.

Đại biểu Lê Thị Tâm - đoàn đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn về tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, xuất khẩu nông sản giảm mạnh. Quá trình thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế khiến số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thế, phá sản năm sau cao hơn năm trước... Theo đại biểu Lê Thị Tâm, mục tiêu của những năm tiếp theo là tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tập trung vào phát triển nông nghiệp, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần phải nghiên cứu và thực thi tốt hơn...

Trước đó, trong những phiên thảo luận ở tổ, câu hỏi được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận là tình hình sản xuất nông nghiệp khi ngành này phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh – đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ ăn nói như thế nào với bà con khi các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, các tỉnh Tây Nguyên đã từng phát động trồng cây cao su rất mạnh mẽ, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì giảm đến mức không thể bán được(?) Hay như cây thanh long, diện tích quy hoạch tại Bình Thuận là 15.000ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến nay, diện tích đã tăng tới 22.000ha và sẽ còn tiếp tục tăng lên. Làm như vậy sao chẳng ế thừa?”.

Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lo ngại tỷ trọng cổ phấn bán ra bên ngoài khi cổ phần hóa còn thấp, nhất là ở những doanh nghiệp lớn. Thậm chí, có những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm tới 95% cổ phần. Với những doanh nghiệp này, hầu như không có thay đổi gì về nhân sự, quản trị công ty sau cổ phần hóa. “Có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra để đầu tư mà kết quả cuối cùng là bộ máy cũ vẫn nắm vai trò trọng yếu?”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Về những yếu kém của nền kinh tế thời gian qua, theo Ts. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. HCM, là do việc chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng quá chậm. Tất cả các vấn đề của ngành nông nghiệp như tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, hàng nông sản làm ra không bán được, xuất khẩu giảm, doanh nghiệp giải thế, phá sản tăng, nhập siêu tăng… là hệ quả của mô hình kinh tế của chúng ta đã không theo kịp sự thay đổi của thị trường.

“Chúng ta hô hào tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ nhiều năm nay nhưng tôi xin nói thẳng, chúng ta đổi mới chẳng được bao nhiêu. Công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nông nghiệp vẫn nặng về sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu. Chúng ta bán những cái ta có chứ không phải bán cái thị trường cần. Đây là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm rồi, đã nói nhiều rồi nhưng vì sao chuyển biến rất chậm (?) ”, ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội gọi tình trạng được mùa mất giá là “điệp khúc buồn” và đặt ra hàng loạt câu hỏi về vai trò trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền địa phương trong vấn đề thị trường, phát triển thị trường, trong việc định hướng quy hoạch cây trồng, vật nuôi. “Việc các Bộ mua giúp nông dân dưa hấu, hành tím chỉ là giải pháp tình thế. Ngành nông nghiệp cần những giải pháp căn cơ hơn”, đại biểu Nguyệt Hường nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, năm sau cao hơn năm trước (5 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động là hơn 19.000 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2014). Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn TP. HCM, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động không phải bây giờ mới thấy mà kéo dài suốt từ năm 2009 đến nay. Nền kinh tế không thể chờ đợi nữa, Chính phủ cần phải có gói giải pháp vực dậy doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó có việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, ổn định, ví dụ 6%/năm trong thời gian từ 5 – 10 năm để doanh nghiệp có thể vay vốn mua sắm thiết bị mới từ các nước phát triển. Lúc đó chúng ta mới nâng cao được năng suất, tạo mẫu mã sản phẩm mới cạnh tranh với các nước.

“Tôi đã đi các hiệp hội doanh nghiệp và họ rất chờ đợi câu giải đáp từ phía cơ quan quản lý. Vừa qua ta mới giải quyết được vốn ngắn hạn còn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp và ổn định trong thời gian dài chúng ta vẫn còn nợ doanh nghiệp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.