Kỷ cương, kỷ luật ngân sách Nhà nước đang được siết chặt

PV.

Vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN); Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua.

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Nguồn: Internet
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Nguồn: Internet

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Định có kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; Tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công; Quản lý hiệu quả hơn nữa nguồn thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn, nợ thuế; Mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử; Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước; Tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất xem xét việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về những vấn đề mà cử tri tỉnh Bình Định quan tâm, Bộ Tài chính có Công văn số 7240/BTC-NSNN trả lời:

Về vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN

Bộ Tài chính cho biết, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua. Đây cũng là nội dung chủ đạo được đề cập trong các Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 51/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW.

Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tập trung điều hành thu ngân sách chủ động, tích cực; Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với khả năng thu ngân sách.

Đối với công tác quản lý thu ngân sách, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp quản lý thu, tích cực khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế).

Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; Quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế; Chấn chỉnh công tác hoàn thuế; Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.

Trong 2 năm 2016-2017, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện trên 187 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; Kiến nghị xử lý tài chính gần 90 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN trên 31 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 57,6 nghìn tỷ đồng (thực chất là chống chuyển giá và gian lận trốn thuế).

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp phát hiện các sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, răn đe và phòng, chống tham nhũng, chuyển giá, trốn thuế...; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - NSNN.

Thu NSNN những năm gần đây đều vượt so dự toán Quốc hội quyết định (năm 2016 vượt 8,6% dự toán, năm 2017 vượt 6,3% so dự toán); Đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán, xử lý nhiệm vụ cấp thiết.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử, hải quan vừa tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp thuế. Cùng với đó, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa.

Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế, tự làm thủ tục hoàn thuế qua hệ thống điện tử; Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, triển khai cổng thanh toán điện tử, hệ thống VNACCS/VCIS tại các Cục hải quan, cơ chế một cửa quốc gia. Mở rộng kết nối thu thuế điện tử giữa cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng thương mại với Kho bạc Nhà nước...

Trong tổ chức điều hành chi NSNN, quán triệt chủ trương kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, lồng ghép các chính sách, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; Cắt giảm tối đa chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Riêng về khoán xe công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, thực hiện thí điểm trong ngành tài chính; Đồng thời đã trình Chính phủ, xin ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nghị định tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô, hiện đang hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành, theo hướng tạo cơ sở phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 30-50% đầu xe công, qua đó giảm số lượng nhân viên lái xe, giảm chi phí đi kèm.

Cơ cấu chi chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% dự toán chi NSNN năm 2017 xuống 64,1% năm 2018 trong khi vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở 7%/năm; Chi đầu tư phát triển tăng từ 25,7% dự toán chi NSNN năm 2017 lên 26,2% năm 2018). Cân đối ngân sách Trung ương và các địa phương được đảm bảo.

Nợ công trong 2 năm qua đã giảm tốc độ gia tăng nợ công gần một nửa (bình quân 2 năm 2016-2017 là 9,6%/năm so với mức 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015); Kéo nợ công giảm từ 63,6%GDP năm 2016 xuống 61,4%GDP năm 2017, nợ Chính phủ giảm tương ứng từ 52,6%GDP xuống 51,8%GDP.

Để đạt được kết quả trên, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn đỉnh nợ và giảm các loại rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro thanh khoản đối với nợ công; Kéo dài kỳ hạn phát hành theo các Nghị quyết của Quốc hội (năm 2011: 3,9 năm; 2017: 13,6 năm), qua đó đã kéo dài kỳ hạn nợ bình quân danh mục TPCP (năm 2011 là 1,84 năm; 2017 là 6,7 năm); Lãi suất huy động giảm mạnh (năm 2011 bình quân là 12,01%; năm 2017 là 5,98% - mức thấp nhất từ trước đến nay); Giảm tỷ trọng vay ngoài nước từ 61% năm 2011, xuống 40% năm 2016...

Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí, qua các lần sửa đổi đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp (DN) và người dân, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Tính đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống 25% (năm 2009), xuống 22% (năm 2014) và xuống 20% (năm 2016), và quy định các mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15% và 17%; Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế trong lĩnh vực nông nghiệp; Thực hiện cắt giảm sâu thuế xuất nhập khẩu theo cam kết hội nhập,...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN. Ngay từ năm 2014 đã thực hiện giảm tần suất kê khai các loại thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm thông qua việc mở rộng mức doanh thu khai thuế theo quý của DN từ dưới 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/năm, kê khai thuế TNDN từ 5 lần/năm xuống chỉ còn 01 lần/năm; Đơn giản hóa cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản...; Giảm thời gian nộp thuế từ mức 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm.

Với những nỗ lực cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan, đã góp phần giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu, được cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2017, Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2017); Trong đó, chỉ số nộp thuế xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017), đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.