Lời Người như tiếng gọi non sông

Theo Thái An/daibieunhandan.vn

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”... 73 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đất nước qua bao phen thử lửa vẫn vững vàng đứng lên, rộng mở và tươi sáng. Hàng triệu con tim Việt Nam, từ mùa Thu năm ấy đã nghe lời kêu gọi của Người - tiếng gọi của non sông: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...” mà chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho một thời đại vẻ vang và oanh liệt - thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Người Việt Nam đã đem cả tính mạng và tài sản để bảo vệ quyền linh thiêng ấy. Lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc đã chứng minh chân lý đó. Đối với thành công của Cách mạng tháng Tám, lịch sử cũng đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Sinh thời, trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ như in khoảnh khắc Bác Hồ đang trong cơn bạo bệnh, tại lán Nà Lừa - Tân Trào, đã nói một câu như là mệnh lệnh: “Dù có phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng tháng Tám thành công. Nhà nước Việt Nam mới ra đời trong niềm hân hoan của lòng người, âm hưởng tráng lệ của bản Tuyên ngôn Độc lập từ Hà Nội vang xa. Trước đó, ngày 22.8, Vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị và hạnh phúc được làm công dân Vĩnh Thụy. Bảo Đại đã cảm động nói rằng: “... Đối với Quốc dân, Trẫm khuyên tất cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến các người hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ Cộng hòa giữ vững nền độc lập của nước nhà, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ. Còn về phần riêng của Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”.

Một ông Vua hô vang Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện tâm nguyện chuyển giao lịch sử: Từ chế độ quân chủ phong kiến sang chế độ dân chủ. Sự lựa chọn đó là của lịch sử, của Quốc dân, của Hồ Chí Minh sau những năm tháng Người bôn ba năm châu bốn biển đã thể nghiệm, tìm tòi.

Sau khi giành được độc lập, Tổ quốc lại bước vào cơn lâm nguy mới. Và trong giây phút ấy, mùa Đông năm 1946, lời Người lại sang sảng vang lên: “Hỡi đồng bào toàn quốc... Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Từ lời thề “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do” đến “Thà hy sinh tất cả…” là quyết tâm mãnh liệt, là niềm tin sắt đá, là khát vọng bỏng cháy của độc lập, tự do.

Trong 9 năm trường kỳ và gian khổ kháng chiến chống Pháp, đất nước còn khó khăn, bề bộn, lời kêu gọi, động viên của Người đã thức tỉnh cả dân tộc, truyền cho mọi người sức mạnh để chiến đấu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm nên cơn chấn động địa cầu, viết nên bản anh hùng ca của nhân loại thế kỷ XX.

Kháng Pháp thành công, cả dân tộc lại phải lao vào cuộc trường chinh chống Mỹ. Kẻ thù điên cuồng đánh phá nhằm chia cắt đất nước ta. Từ Hà Nội, lời Bác Hồ lại cất lên mạnh mẽ, dứt khoát mà cảm động: “Dù Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng ta quyết không sợ... Không có gì quý hơn độc lập, tự do... Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, hàng vạn thanh niên Việt Nam lại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Máu của hàng vạn người con của Tổ quốc đã đổ trên những tuyến đường, cánh đồng, thảm rừng, trên từng tấc đất của cha ông.

Từ mùa Thu Hà Nội năm 1945 đến mùa Xuân thành phố Hồ Chí Minh năm 1975, khúc khải hoàn ca đã được viết bằng máu. Đúng là “giành được độc lập đã khó, giữ cho được độc lập còn khó gấp bội phần”. Nhưng đất nước đã vượt qua chặng đường gian khổ hy sinh để đi đến cái đích thắng lợi cuối cùng.

73 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, 49 năm vắng Bác, nhưng sự nghiệp Hồ Chí Minh vẫn hữu hình trong sự lớn mạnh của non sông đất nước. Lời Người như tiếng gọi của non sông, di sản Người để lại là vô giá, tạo nên sức mạnh vô bờ, cho chúng ta tiếp bước trên con đường độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.