Nâng cao hiệu quả quản trị điều hành ngân sách quốc gia

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngân sách Nhà nước (NSNN) là xương sống của tài chính nhà nước và là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh và duy trì hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Việc nâng cao hiệu quả quản trị điều hành ngân sách quốc gia ngày càng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm sâu sắc.

Nâng cao hiệu quả quản trị điều hành ngân sách quốc gia
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hiệu quả của Luật Ngân sách 2002

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước,  quy mô ngân sách nhà nước (NSNN) tăng nhanh. Hàng năm, thu NSNN tăng bình quân 18%/năm, sau 10 năm NSNN tăng gấp 5,4 lần. Cơ cấu thu NSNN có những chuyển biến tích cực: Thu nội địa trong tổng thu cân đối NSNN tăng từ 51,7% năm 2003 lên 68,5% năm 2013.\

Chi NSNN, đảm báo cơ cấu chi hợp lý, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, chiếm 20% đầu tư toàn xã hội và tăng bình quân 13,5%/năm; đảm bảo nguồn lực tài chính cho quốc phòng, an ninh; ưu tiên và giữ ổn định tỷ lệ chi cho các lĩnh vực quan trọng như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, môi trường; tập trung chi NSNN cho các mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…

Bội chi NSNN được kiềm chế trong phạm vi có thể kiểm soát được; cân đối NSNN duy trì mức độ hợp lý tích cực; dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia, dư nợ công trong giới hạn an toàn theo quy chuẩn quốc tế; nghĩa vụ trả nợ Chính phủ được thực hiện đầy đủ, theo đúng cam kết.

Theo PGS.TS. Trần Văn Tá - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Luật NSNN đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16/12/2002 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004 đã góp phần đáng kể trong quản lý NSNN, đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng.

Cụ thể, nhiệm vụ, vai trò của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp đối với NSNN được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Đề cao vai trò của Quốc hội trong việc quyết định NSNN và giao cho HĐND nhiều quyền hạn lớn hơn đối với việc quyết định ngân sách địa phương.

Phân cấp quản lý NSNN được thực hiện mạnh mẽ hơn vừa đảm bảo được vai trò chủ đạo của NSTW, để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của đất nước; đồng thời, tăng cường phân cấp nguồn thu gắn với thời kỳ ổn định ngân sách địa phương (thực chất là khoán ngân sách) và giao cho địa phương quyền quyết định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương, khuyến khích các địa phương tăng cường quản lý ngân sách, phấn đấu tăng thu, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách.

Cũng theo PGS.TS. Trần Văn Tá, Luật NSNN 2002 đã giúp cho quy trình thủ tục hành chính trong quản lý NSNN đã được cải tiến và giảm thiểu hướng đến yêu cầu hợp lý tối đa gắn với cải cách hành chính, giảm thiểu đáng kể cơ chế “xin cho” hoặc chạy chi ngân sách vào cuối năm tài chính. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm toán NSNN được chú trọng và tăng cường, nhất là vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đối với NSNN, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính, chất lượng, hiệu quả quản lý thu, chi NSNN ngày càng tốt hơn. Cơ chế công khai, minh bạch trong quản lý, chi tiêu NSNN được thực hiện ngày càng đi vào nề nếp.

Khắc phục hạn chế đáp ứng yêu cầu phát triển

Trong thời gian qua, tuy đã đạt những thành quả to lớn, nhưng theo PGS.TS. Trần Văn Tá thực tế quản lý NSNN bộc lộ một số hạn chế, tồn cần khắc phục.

Một là: Thể chế quản lý NSNN còn nhiều bất cập. NSNN chưa bao quát đầy đủ các thu, chi thuộc phạm vi của Ngân sách. Một số khoản thu thực chất là thu ngân sách nhưng không được đưa vào ngân sách (một số khoản thu phí, lệ phí; một số quỹ tài chính tập trung) hoặc chỉ thực hiện quản lý qua NSNN. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa NS TW và NS địa phương còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng lồng ghép giữa NSTW và NS địa phương. Một số khoản thu phân chia giữa NSTW và NS địa phương chưa đảm báo tính công bằng và không phù hợp với tính chất phát sinh của khoản thu này (ví dụ, thuế TNDN của đơn vị hạch toán toàn ngành). Quy định bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP trong thời kỳ ổn định ngân sách theo số tuyệt đối, dẫn đến nhiều địa phương quy mô ngân sách nhỏ, thu NSNN trên địa bàn thấp gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí chi đầu tư xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách hàng năm. Quy định về việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, nhưng chưa xác định được những tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể dẫn đến một số địa phương thiếu nỗ lực, chủ động, trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, tạo cơ chế “xin cho”.

Hai là: Quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong lĩnh vực NSNN còn nhiều bất cập, chưa thể hiện được vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất và vai trò giám sát tối cao của Quốc hội trong lĩnh vực NSNN theo quy định của Hiến pháp mới 2013.

Ba là: Quản lý NSNN còn nhiều mặt hạn chế, nhất là quản lý vốn đầu tư phát triển (chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN), chưa Luật hóa các quy định về lập dự toán, bố trí vốn, phân bổ, thanh toán, quyết toán vốn; chưa gắn kết giữa kế hoạch tài chính – NSNN 5 năm và hàng năm với kế hoạch đầu tư 5 năm và hàng năm; dẫn đến việc đầu tư còn thiếu tập trung, dàn trải, còn nhiều lãng phí, thất thoát, hiệu quả không cao.

Giải pháp căn cơ

PGS.TS. Trần Văn Tá cho rằng để nâng cao hiệu quả quản trị điều hành ngân sách quốc gia cần đề cao vai trò của Quốc hội đối với việc quyết định NSNN và giám sát ngân sách theo đúng quyền hạn là cơ quan quyền lực cao nhất và cơ quan giám sát tối cao của Nhà nước.

Quốc hội cần mở rộng phạm vi giám sát, chẳng hạn như giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước hoặc giám sát việc hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước.

PGS.TS. Trần Văn Tá đưa ra đề xuất, trong công tác quản lý điều hành NSNN, cần mở rộng phạm vi của NSNN so với hiện hành để đảm bảo tất cả các khoản thu, khoản chi đúng tính chất là thu, chi ngân sách phải được quản lý trong ngân sách nhà nước, bãi bỏ các hình thức ghi thu, ghi chi, hoặc có những khoản thu, bản chất là thu ngân sách, nhưng để ngoài cân đối ngân sách, chỉ quản lý qua ngân sách.

Hơn nữa, cần luật hóa các quy định về lập dự toán, phân bổ vốn thanh toán, quyết toán vốn đầu tư phát triển trong NSNN, gắn kế hoạch tài chính NSNN 5 năm và hàng năm với kế hoạch đầu tư 5 năm và hàng năm. Phân cấp mạnh hơn ngân sách cho cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của ngân sách các cấp. Cần xác định rõ ràng và cụ thể phạm vi, nội dung, nhiệm vụ và tiêu chí đối với việc bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới hàng năm, nhằm khắc phục sự bị động, ỷ lại của ngân sách cấp dưới, giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc bố trí ngân sách, đồng thời quản lý, sử dụng nguồn lực bổ sung có mục tiêu đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả hơn.

Để có thêm nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là đối với các thành phố lớn, cần mở rộng hơn giới hạn huy động vốn (vay vốn) cho ngân sách cấp tỉnh, thành phố theo nguyên tắc những địa phương có nhu cầu đầu tư lớn và khả năng thu hồi vốn cao thì được vay vốn nhiều hơn. Nhưng đồng thời cần quản lý, giám sát chặt chẽ khoản vay này, phải được tổng hợp vào nợ công, phải đảm bảo trong giới hạn an toàn về nợ công…/.