Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng về kinh tế

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Các tổ chức Đảng từ cơ sở cần tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng về kinh tế
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành quả đạt được rất to lớn, đáng tự hào, tạo đà cho kinh tế đất nước phát triển ngày càng nhanh và bền vững hơn; nhưng việc thực hiện vai trò của Đảng trong phát triển và quản lý kinh tế cũng còn không ít bất cập, băn khoăn, trăn trở...

Đã, đang và sẽ còn nhiều phân tích về sự thua lỗ nặng nề như một điển hình của khối các Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua vụ “chìm tàu Vinashin”, nhưng quan trọng hơn hết là sự kiện này cho thấy những bài học cảnh báo về vai trò của tổ chức Đảng trong DNNN.

Các hậu quả của Vinashin có cả trách nhiệm cá nhân lẫn lỗi cơ chế khi cho phép một tập đoàn kinh tế quốc gia quan trọng như vậy mà tập quyền tuyệt đối: một người vừa là Bí thư Đảng ủy, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, lại vừa là Tổng giám đốc. Đồng thời, công tác thanh, kiểm tra thiếu kịp thời ngăn chặn sớm và triệt để, từ đó tạo thuận lợi cho việc cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội…

Từ câu chuyện Vinashin đã nêu ra vấn đề vai trò của cơ sở Đảng trong DNNN. Và đặc biệt vai trò của cơ sở Đảng khi DN hoạt động trong nền kinh tế ngày càng thị trường hơn. Và vai trò của Đảng trong phát triển kinh tế thị trường.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn cán bộ và đảng viên: “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; “vì việc mà tìm người, chứ không vì người mà đặt việc”; “xây dựng một Nhà nước ít tốn kém”; “xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân và gọn nhẹ”…

Đảng lãnh đạo Nhà nước trong mọi lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tư tưởng, xây dựng chủ trương, đường lối; lãnh đạo thể chế hóa các chủ trương, đường lối đó thành các luật định, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý kinh tế; tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, thực hiện giám sát, kiểm tra về con người, cán bộ các cấp…

Về lý luận, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các yếu tố hợp lý của mô hình “đảng cầm quyền” để đổi mới căn bản mô hình “đảng lãnh đạo” hiện nay. Trong đó, giữ vững các nguyên tắc, các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị, nhưng phải đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo thông qua tổ chức, bộ máy, cán bộ.

Hiểu đúng vai trò, nâng cao năng lực chỉ đạo kinh tế của Đảng trong thời gian tới là phải coi trọng vận dụng lý luận; nhận thức đúng quy luật và quy trình kinh tế khách quan; nâng cao năng lực dự báo và tầm nhìn; đổi mới cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng từ cơ sở cần tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

“Xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng; tăng cường biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự mở rộng phạm vi tham gia của công chúng và phát huy vai trò của báo chí, công luận trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng