Nâng tuổi nghỉ hưu: Nguyên do đã đủ sức thuyết phục?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất như tăng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60), tính lại lương hưu...

 Nâng tuổi nghỉ hưu: Nguyên do đã đủ sức thuyết phục?
Từ năm 2016 thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nam, nữ. Nguồn: internet

Chia sẻ tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) quý II/2014, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cho biết, hiện một số quy định trong Luật BHXH hiện hành không còn phù hợp, như quy định về mức tiền công, tiền lương đóng BHXH, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí, tuổi nghỉ hưu thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực...gây nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất.

 Bất cập về tuổi nghỉ hưu và mức lương đóng BHXH

Theo ông Liệu, tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất hiện nay còn thấp so với mức hưởng lương hưu; mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động (chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế).

Trong khi đó, tỷ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu chưa hợp lý (cụ thể 75% cho 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam). Tỷ lệ tính hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%).

Thêm vào đó, tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của người lao động trong khu vực Nhà nước chỉ tính bình quân trên một số năm cuối (là giai đoạn người lao động có mức lương cao nhất), chưa bình đẳng với người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân.

Ông Liệu chia sẻ, quỹ BHXH hưu trí là quỹ dài hạn, trong những năm tới, số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ BHXH hưu trí càng nhiều, số chi từ quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần quỹ sẽ mất cân đối. Cụ thể, năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu.

Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. “Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống thêm của nam sau khi nghỉ hưu ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 lên đến 24,5 năm”, ông Liệu nhấn mạnh.

Từ năm 2016 thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nam, nữ

Để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định cụ thể, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng theo hướng, từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; sau đó từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại theo phương thức: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân.

Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như hiện hành.

Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên; người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; người có đủ 15 năm trở lên (trong 20 năm đóng BHXH) làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.

Cũng theo ông Liệu, dự thảo quy định chi tiết việc sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng: Từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; đồng thời bỏ quy định bù bằng mức lương tối thiểu chung đối với trường hợp mức lương hưu (BHXH bắt buộc) thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Dự thảo luật cũng sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng BHXH đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định để đảm bảo công bằng trong thụ hưởng giữa các nhóm đối tượng, không phân biệt người lao động trong khu vực Nhà nước hay ngoài Nhà nước.