Nên nghĩ đến việc điều chỉnh chính sách

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Với hành động xâm lược của Trung Quốc lần này, Việt Nam cần có các điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả phù hợp với những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới.

 Nên nghĩ đến việc điều chỉnh chính sách
Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải bổ sung, điều chỉnh chiến lược biển, nhanh chóng mạnh lên hơn nữa về kinh tế biển. Nguồn: internet

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam cùng với số lượng lớn tàu hải giám, tàu chiến, máy bay quân sự để đe dọa, gây hấn và tấn công các lực lượng đang bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam đã bộc lộ rõ dã tâm độc chiếm biển Đông, bao vây Việt Nam của Trung Quốc.

Hành động ngang ngược của Trung Quốc đã làm dấy lên sự phẫn nộ rộng khắp trong người dân Việt Nam cũng như sự lo ngại và phản đối của công luận quốc tế.

Với hành động lần này, Trung Quốc đã chuyển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sang một giai đoạn mới. Việt Nam cần đánh giá đúng, chính xác những âm mưu của Trung Quốc, phân tích sâu sắc, toàn diện quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, làm rõ những nguy cơ có thể bị Trung Quốc lợi dụng gây sức ép, để có các điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả phù hợp với những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới.

Việt Nam chân thành mong muốn hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời cũng cần thấy rõ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động xâm lược mới trên biển, đảo cũng như trên các lĩnh vực khác, kể cả về kinh tế. Cần thông tin đầy đủ đến người dân, doanh nghiệp để phát huy lòng yêu nước, phát huy sự năng động, sáng tạo của toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (1) - là mắt xích bị tác động trực tiếp nhất từ hành động xâm lược của Trung Quốc và cũng là địa bàn Trung Quốc có thể có những bước gây hấn mới.

Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải bổ sung, điều chỉnh chiến lược biển, nhanh chóng mạnh lên hơn nữa về kinh tế biển, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Trước đòi hỏi của tình hình mới, chúng ta lại càng thấm thía với những bài học đau xót của Vinashin và Vinalines, không chỉ gây thiệt hại to lớn về kinh tế mà còn để lại những lỗ hổng lớn và sự chậm trễ tai hại trong việc xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu hiện đại phục vụ kinh tế và quốc phòng cũng như ngành vận tải biển của nước ta.

Cần khẩn trương tái cơ cấu Vinashin và Vinalines, phát huy năng lực của tất cả các thành phần kinh tế để tăng cường năng lực đóng tàu, vận tải biển của nước ta. Ngoài ra, cũng nên tăng cường lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, đồng thời xúc tiến chương trình đóng tàu đánh cá vỏ thép có trang bị thiết bị thông tin hiện đại cho ngư dân, tổ chức lại hoạt động của ngư dân trên biển nhằm kết hợp hoạt động kinh tế với bảo vệ có hiệu quả chủ quyền biển đảo của nước ta.

Điều cấp bách là phải huy động tổng lực về khoa học - công nghệ, nhanh chóng áp dụng công nghệ hiện đại vào thực hiện chiến lược biển, vừa phục vụ mục tiêu kinh tế và quốc phòng. Cần tập hợp lực lượng các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, điều tra cơ bản về biển, tài nguyên biển và bảo vệ biển đảo.

Cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để phục vụ việc thực hiện chiến lược biển, vận động và tranh thủ sự ủng hộ của công luận quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta, như có thể kiện ra tòa án quốc tế về các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

Trong quan hệ thương mại, cần xây dựng phương án giảm bớt sự phụ thuộc quá cao vào các nguồn vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho dệt may, da giày... tăng cường năng lực của công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong nước và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu phù hợp với các cam kết TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU...

Cần có các chính sách, lộ trình và bước đi thích hợp để tạo ra mối quan hệ cân bằng hơn đối với Trung Quốc, kết hợp việc ký kết hợp đồng xuất khẩu những mặt hàng Trung Quốc cần nhập với việc nhập khẩu những mặt hàng các doanh nghiệp chúng ta cần nhập, tránh việc xuất khẩu quá nhiều và quá lâu qua đường tiểu ngạch dễ bị đối tác Trung Quốc gây sức ép như đã xuất hiện đối với xuất khẩu rau quả...

Việc nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc cũng cần từng bước giảm bớt và có phương án dự phòng cho tình huống xấu.

Đây cũng là cơ hội để toàn dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(1) http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30463&cn_id=239397