Ngăn chặn Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông

Theo Globalresearch

(Tài chính) Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) gần đây đã tổ chức hội thảo 2 ngày về Biển Đông và ra báo cáo dài 22 trang hối thúc chính phủ Mỹ có các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lộng hành của Trung Quốc ở Biển Đông.

 Ngăn chặn Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông
Mỹ đang định điều chuyển 60% binh lực hải quân về châu Á-Thái Bình Dương. Nguồn: internet

Báo cáo của CSIS, tổ chức vốn đóng một vai trò quan trọng trong chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, có tựa đề: "Các khuynh hướng gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ".

Trong báo cáo, CSIS đã nhắc tới một loạt các sự kiện diễn ra ở Biển Đông trong năm qua, và cho rằng thái độ hung hăng và không khoan nhượng của Bắc Kinh là nguyên nhân khiến căng thẳng khu vực leo thang.

CSIS đã đưa một viễn cảnh hành động cho Washington, với 2 đường hướng cơ bản: thiết lập lý do pháp lý để bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Việc Philippines gửi đơn kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế đã cho thấy sự khởi đầu trong một nỗ lực của Washington nhằm vô hiệu hóa hợp pháp toàn bộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Dựa vào điều này, CSIS đã kêu gọi Bộ ngoại giao Mỹ vẽ ra một bản đồ các tranh chấp khu vực "dựa trên sự chồng chéo của các vùng đặc quyền kinh tế, các thềm lục địa và các đảo tranh chấp".

CSIS đã kêu gọi đóng băng các hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp, cho rằng đây là một biện pháp để giảm căng thẳng. Báo cáo của CSIS cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "chắc chắn sẽ nêu ra vấn đề này tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)" vào ngày 10/8.

CSIS cũng đang hối thúc tăng gấp đôi nỗ lực pháp lý, cùng với việc tăng cường các hành động quân sự, để siết dây thòng lọng quanh Trung Quốc.

Báo cáo kêu gọi xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này có thể trợ giúp Việt Nam chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

CSIS cũng đề nghị Mỹ nên làm rõ các bổn phận của Mỹ theo các điều khoản của Hiệp ước quốc phòng song phương mà Washington đã ký kết với Philippines. Phía Philippines đã bày tỏ các lo ngại rằng các điều khoản của hiệp ước này không áp dụng đối với Biển Đông.

CSIS ủng hộ việc mở rộng ước sang các khu vực tranh chấp, nơi trong 2 năm qua các lực lượng Philippines thường xuyên đối đầu có vũ trang với Trung Quốc.

Tài liệu còn kêu gọi phát triển một căn cứ tại Vịnh Oyster trên đảo Palawan của Philippines để có thể triển khai ngay tức thì các lực lượng Mỹ vào Biển Đông.

Cuối cùng, CSIS ủng hộ việc thiết lập thêm các cơ sở tình báo khắp khu vực để tạo nên một hệ thống giám sát 24/24 trên toàn Biển Đông. Các cuộc đàm phán với Philippines đã cho thấy rõ rằng kế hoạch này có thể bao gồm việc sử dụng các máy bay do thám trên không.