Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước được chốt lại là 5 năm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Với 87,85% ĐBQH nhấn nút tán thành, Luật Kiểm toán Nhà nước(sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Luật gồm 9 chương 73 điều quy định cụ thể về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước(KTTN), Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có một số ý kiến cho rằng, quy định về trách nhiệm của KTNN trong Dự thảo luật còn chưa rõ ràng, chưa tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN. Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Dự thảo luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân của KTNN tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn.

Trong đó, Tổng KTNN là người đứng đầu chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của KTNN, đặc biệt là quy định “Tổng KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Báo cáo kiểm toán của KTNN” (khoản 3 Điều 13).

Trong hoạt động kiểm toán của KTNN, cơ chế trách nhiệm được quy định theo thứ bậc từ thấp đến cao, từ trách nhiệm của các thành viên Đoàn kiểm toán không phải là Kiểm toán viên nhà nước (khoản 2 Điều 43), thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước (Điều 22), Tổ trưởng Tổ kiểm toán (tại khoản 3 Điều 41), Trưởng Đoàn kiểm toán (tại khoản 3 Điều 39), Phó trưởng Đoàn kiểm toán (Điều 40), Kiểm toán trưởng và Phó Kiểm toán trưởng (Điều 17), Phó Tổng KTNN (khoản 1 Điều 15) đến trách nhiệm của Tổng KTNN (tại Điều 13). Vì vậy, trách nhiệm của KTNN đã đầy đủ, rõ ràng.

Về ý kiến đề nghị cần quy định KTNN có trách nhiệm liên đới khi cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện sai phạm tại các đơn vị được kiểm toán mà trước đó KTNN đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện được những sai phạm này, UBTVQH cho rằng, giữa các cơ quan thanh tra, điều tra và KTNN có sự khác biệt về mục đích hoạt động, phương pháp, trình độ nghiệp vụ và phạm vi hoạt động.

Trong thực tế, KTNN cũng như cơ quan thanh tra, điều tra vì lý do khách quan có thể không phát hiện ra được hết các sai phạm, nếu Luật quy định cứng trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm do không phát hiện ra tại các đơn vị thì chưa thật hợp lý, trừ trường hợp phát hiện sai phạm mà trong đó có căn cứ, chứng cứ chứng minh KTNN hoặc các thành viên Đoàn kiểm toán: vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 hoặc thuộc trách nhiệm của các thành viên trong Đoàn kiểm toán, của Tổng KTNN thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, qua thảo luận ở hội trường có hai loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất là đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; Loại ý kiến thứ hai là đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm như Luật hiện hành.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi xin ý kiến các vị ĐBQH, đa số ĐBQH (79,23%) đồng ý với phương án: “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm), có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ”.

Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho tiếp thu quy định về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 5 năm theo đa số ý kiến ĐBQH, thể hiện tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo luật.

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định việc nghiêm cấm các hành vi cụ thể đối với KTNN, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên KTNN. Theo đó, Kiểm toán viên không được sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán hay can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên không được đưa, nhận, môi giới hối lộ, báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán. Nghiêm cấm Kiểm toán viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi và tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán; tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức./.