Nhiều giải pháp quyết liệt ổn định kinh tế vĩ mô tháng cuối năm

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2016, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm 2017 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, chiều ngày 29/11.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016. Nguồn: internet
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016. Nguồn: internet

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nhận định, mặc dù kinh tế-xã hội trong tháng 11 và 11 tháng năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại của tháng 12 và năm 2017 là hết sức nặng nề trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Vi vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và triển khai quyết liệt kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải nỗ lực trong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát.

Đồng thời, chủ động xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn kế hoạch 2016 và vốn được bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 60.

Đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có các giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp. Tiếp tục bán vốn nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước...

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản…; có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý.