Nhìn lại một tháng sau phán quyết của PCA về Biển Đông

An Bình Minh

Đến nay, một tháng sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông ngày 12/7, phản ứng của hầu hết các bên liên quan không quá khích đặc biệt các bên đều kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các phán quyết của PCA.

Một trong những phiên xử tranh chấp của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về biển Đông.
Một trong những phiên xử tranh chấp của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về biển Đông.

Phán quyết của PCA ngày 12/7 có 5 điểm chính cần lưu ý bao gồm: (i) Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên trong phạm vi đường lưỡi bò;

(ii) không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có đủ điều kiện để hưởng vùng đặc quyền kinh tế;

(iii) việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền của Philippines;

(iv) hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở bảy điểm ở Trường Sa đã tàn phá nghiêm trọng môi trường san hô biển;

(v) hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là không phù hợp với trách nhiệm của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp bởi đã dẫn đến những huỷ hoại không thể khôi phục được với môi trường biển và huỷ hoại bằng chứng về điều kiện tự nhiên của cá thực thể có tranh chấp ở Biển Đông.

Ngay sau khi PCA công bố Phán quyết, Philippines đã ra Tuyên bố hoan nghênh phán quyết của toà và khẳng định tôn trọng phán quyết, coi đó là đóng góp quan trọng cho việc giải quyết hoà bình xung đột ở Biển Đông. Ngược lại, không ngạc nhiên khi Trung Quốc và Đài Loan là các bên phản đối quyết liệt nhất với quyết định của Tòa Trọng tài.

Trung Quốc lập tức có hàng loạt tuyên bố chính thức, trong đó có “Sách Trắng” mới về lập trường ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của PCA, không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết của Toà và tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán.

Chính phủ các nước khác có những cách phản ứng khác nhau về phán quyết của Toà, song đều ghi nhận phán quyết và kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và tự kiềm chế, không có các hành vi gây căng thẳng thêm ở Biển Đông.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước, Philippines - nguyên đơn trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan Biển Đông - về mặt chính thức đã phản ứng một cách thận trọng để không làm hỏng cơ hội của chính quyền mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Dù Trung Quốc không muốn thì việc một tòa án quốc tế có thẩm quyền về luật biển thẳng thừng bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố “vùng biển lịch sử” và đường 9 đoạn cũng gây bất ngờ lớn và bất lợi lớn cho Bắc Kinh và buộc Trung Quốc phải tính toán đường đi nước bước cho phù hợp với tình hình mới.

Điều đáng nói, trong khi các bên liên quan đều tôn trọng phán quyết của PCA thì có duy nhất Trung Quốc có các hành động gây kịch tính ở Biển Đông. Có thể kể tới như hành động của hải quân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên quy mô lớn, trong đó có cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 19 - 21/7, nhằm triển khai học thuyết quân sự “đánh thắng chiến tranh cục bộ được tin học hóa” có tới 4 thượng tướng tham dự.

Cuộc tập trận này không chỉ nhằm gây sức ép tâm lý lên các nước liên quan Biển Đông, mà còn răn đe chính quyền mới tại Đài Loan của bà Thái Anh Văn chớ theo đuổi ý định cho Mỹ thuê đảo Ba Bình làm căn cứ hậu cần như tin tức được tiết lộ hồi đầu tháng 7.

Trung Quốc tiếp tục gia cố sự hiện diện trên Biển Đông. Một số bức ảnh chụp vệ tinh hồi cuối tháng 7 vừa qua cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các nhà để máy bay kiên cố tại một số hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà để máy bay có thể chứa được hàng trăm máy bay chiến đấu.

Nhận định về phán quyết của PCA trong 1 tháng qua, TS. Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế- Học viện Ngoại giao cho rằng, phán quyết của PCA đã tác động đến vòng quay mới trong quan hệ ở khu vực châu Á.

“Rõ ràng, phán quyết của PCA đã khiến các bên phải thay đổi cách nhìn nhận về tranh chấp, về hành xử ở khu vực Đông Bắc Á cũng như ở khu vực châu Á nói chung” TS. Đỗ Sơn Hải, nhận định.

Trong khi đó, theo tờ The Diplomat, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đưa ra những tính toán chừng mực vì họ đã đạt được những tham vọng bước đầu ở Biển Đông và giờ đang thực thi kiên nhẫn chiến lược để củng cố những thứ đã có được.

Điều này khiến Bắc Kinh phải duy trì sự quyết đoán một cách kín đáo và kiên định để bảo vệ lợi ích phi pháp của họ mà không đi quá giới hạn - cái có thể khuyến khích cả Washington và đồng minh, đối tác của họ trong khu vực kiềm chế Trung Quốc nhiều hơn hoặc thúc đẩy các bên tranh chấp Biển Đông hành động tập thể.

Hiện các bên liên quan đang theo dõi sát tình hình Biển Đông, cảnh giác trước các hành động dương đông kích tây của Trung Quốc. Phán quyết của PCA đã đưa cuộc tranh chấp Biển Đông vào trạng thái mới, với thượng tôn pháp luật trở thành nội dung quan trọng./.