Phải sử dụng có hiệu quả nguồn thu ngân sách

Theo Báo Hà Nội Ngày nay

Bước vào năm 2012, diễn biến kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi tiêu công, sử dụng hiệu quả các nguồn thu ngân sách và tháo gỡ khó khăn cho các DN. Hà Nội Ngày nay có cuộc trao đổi với Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp về vấn đề này.

Phải sử dụng có hiệu quả nguồn thu ngân sách
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp

Phóng viên: Thứ trưởng có thể cho biết về các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ vốn cho các DN đang gặp khó khăn vượt qua giai đoạn hiện nay, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đang cần cứu trợ khẩn cấp do các yếu tố khách quan mang lại?

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Trước tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến tình trạng nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ban hành một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DNNVV như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03-01-2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 và Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 3-8-2012. Đồng thời, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21-6-2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Các giải pháp bao gồm cả gián tiếp và trực tiếp hỗ trợ vốn cho DN cũng đã được thực hiện, cụ thể:

Một là, thông qua các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí và tiền thuế đất, trực tiếp hỗ trợ vốn cho DN. Miễn, giảm, gia hạn thuế cho các DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động, hộ sản xuất kinh doanh và tiền thuê đất. Tính đến cuối tháng 9-2012 đã gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng cho hơn 190.200 DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4, 5 và 6; gia hạn nợ thuế thu nhập DN (TNDN) trên 2.900 tỷ đồng cho hơn 71.600 DN…

Hai là, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, đánh giá tình hình hoạt động bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Quỹ BLTD để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động BLTD cho các DNNVV.

Tôi tin rằng, với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cộng đồng DN, DN sẽ từng bước vượt qua khó khăn, khơi thông nguồn vốn, đảm bảo duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Năm 2012, mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% trong bối cảnh DN thua lỗ, phá sản như hiện nay là rất khó. Bộ có những biện pháp gì để tiết kiệm chi tiêu công và sử dụng hiệu quả các nguồn thu ngân sách, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Để quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chi NSNN ngay từ khi xây dựng dự toán NSNN; đồng thời trong quá trình điều hành đã và đang tập trung thực hiện những công việc chủ yếu sau:

Một là, thực hiện tốt các giải pháp điều hành chi NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 13/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 1792/CT-TTg và số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý chi NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiếp tục thực hiện rà soát đầu tư công, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn.

Hai là, điều hành dự toán chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, giữ mức bội chi NSNN năm 2012 bằng mức Quốc hội quyết định (140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP). Đối với những địa phương có khó khăn, yêu cầu chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương hoặc báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tài chính; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch hoạt động tài chính - NSNN để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quyền lực và cộng đồng dân cư.

Phóng viên: Hiện nay có nhiều ý kiến về cách tính giá của các mặt hàng thiết yếu như: Điện, xăng, dầu… vẫn chưa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vậy, Bộ đã có những chủ trương như thế nào để thực hiện việc minh bạch hoá các chi phí xây dựng giá thành các mặt hàng này giúp người dân có thể giám sát việc tăng, giảm giá của DN khi thị trường thế giới có biến động?

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Hiện nay, đối với điện, xăng dầu Nhà nước đều có các nghị định, thông tư riêng để quản lý các mặt hàng này. Trong điều hành các cơ quan quản lý Nhà nước đều nghiêm túc thực hiện chủ trương công khai, minh bạch bằng các hình thức khác nhau. Cụ thể là:

Thứ nhất, đối với mặt hàng xăng dầu: Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nghị định này đã quy định rất cụ thể như: Quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tính giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các DN có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, trong công thức tính giá cơ sở, Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9-12-2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Đây là những cơ sở pháp lý đầu tiên, rất quan trọng mà người dân có thể giám sát được.

Thứ hai, đối với mặt hàng điện: Thực hiện quy định về kiểm tra, kiểm soát và minh bạch chi phí theo quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Năm 2011, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên Bộ Công Thương - Tài chính để kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2012, sau khi có kết quả kiểm toán theo quy định, hiện Bộ Công Thương đã chủ trì, thành lập tổ công tác để tiếp tục rà soát và xác nhận giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

Về tổng thể chung, trong thời gian tới đây, khi Luật Giá có hiệu lực (1/1/2013), với chức năng, nhiệm vụ được phân công các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các DN có trách nhiệm công khai về giá theo quy định của Luật Giá.

Phóng viên: Theo Thứ trưởng, chúng ta phải làm gì để xử lý các khoản nợ xấu, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát huy hiệu quả của DN Nhà nước (DNNN)?

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Việc xử lý nợ của các DNNN trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập đến trong Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-7-2012 về "phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015".

Để xử lý dứt điểm nợ xấu, lành mạnh hóa hoạt động của các DNNN và nâng cao hiệu quả của DNNN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các DNNN với hệ thống ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Trước hết, cần thực hiện rà soát, đánh giá, phân tích thực trạng nợ xấu tại các DNNN, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan hình thành nợ xấu. Tiếp đó, thực hiện đánh giá các cơ chế chính sách hiện có về xử lý nợ có đảm bảo khả năng xử lý các khoản nợ xấu của DNNN và có phù hợp với mô hình hoạt động của các DNNN hiện nay không, trên cơ sở đó có các biện pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bộ đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về xử lý nợ trong quá trình tái cơ cấu DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 929/QĐ-TTg, lấy ý kiển đóng góp của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các DNNN. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nợ đối với các DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa thông qua Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng tại DN (DATC) theo hướng xây dựng và hoàn thiện đề án tái cơ cấu DATC, hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với hoạt động của DATC tham gia tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!