Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

PV.

Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng - kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng - kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Nguồn: internet
Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng - kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Nguồn: internet

Trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng; các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng Việt Nam.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, ngày 22/5 /2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả nhất là những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành Luật Ưu đãi người có công với cách mạng.

Đồng thời, hoàn thiện Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để trình cơ quan có thẩm quyền trong năm 2018; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác nhận và thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Chủ trì, phối hợp triển khai các hoạt động của Ban Tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ theo Kế hoạch đã ban hành.

Theo Chỉ thị, Bộ Quốc phòng được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, triển khai thực hiện Đề án về chế độ chính sách đối với người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài sau khi có kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc cung cấp xác minh thông tin liên quan đến người tham gia cách mạng bị mất tin, mất tích hoặc xác minh lý lịch nhân thân trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc truy thu đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; bảo đảm kinh phí theo quy định cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với tinh thần trang trọng, thiết thực. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chính sách ưu đãi người có công, biểu dương người tốt việc tốt và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", người có công, gia đình người có công tiêu biểu.

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường các hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng; tham gia phối hợp, giám sát việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, ngày 15/06/2017, tại Công văn số 6230/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) với tổng kinh phí hơn 394,6 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 06/06/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.