Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu

Văn Trường

(Tài chính) Trả lời báo giới xung quanh con số nợ xấu tăng và các giải pháp xử lý nợ xấu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, chiều 28/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17% trên tổng dư nợ, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5 vừa qua và cao hơn mức 3,61% cuối năm 2013.

Xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu
Phân tích về nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thứ nhất, do hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, việc mở rộng tín dụng còn hạn chế, do sức hấp thụ vốn  của nền kinh tế còn hạn chế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời báo giới tại buổi Họp báo chiều 28/8/2014. Nguồn: Chinhphu.vn

Thứ hai, vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN (Thông tư 09) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng, để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mặc dù Thông tư 09 cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho tới hết 31/3/2015, nhưng với quy định chặt chẽ hơn rất nhiều.

Theo quy định của Thông tư này, nội bộ các tổ chức tín dụng phải đảm bảo kiểm tra, kiểm soát quy trình cơ cấu lại thời gian trả nợ, báo cáo với Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết… Ngoài ra, Thông tư 09 cũng quy định phạm vi phân loại nợ cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả đầu tư vào trái phiếu của DN.

6 tháng đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng đã xử lý  khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong 8 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro.

Bằng phương pháp này, 6 tháng đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng đã xử lý  khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Về bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ tháng 10/2013 đến nay, VAMC đã mua được với trị giá số dư nợ khoảng 55.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ mua được khoảng 70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu cho đến hết năm 2014.

“Giải pháp của VAMC không phải là “cây đũa thần” mà là giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Bởi cách xử lý nợ xấu của chúng ta là không dùng tiền từ ngân sách để mua nợ mà là làm sạch bảng cân đối của các tổ chức tín dụng, để tiếp tục cho vay”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc cho Nghị định 53/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý nợ xấu theo hướng tháo gỡ khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu…

Những chỉ số kinh tế “biết nói”

Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, “bức tranh” kinh tế 8 tháng năm 2014 có những dấu hiệu khả quan. Cụ thể, nền kinh tế đã và đang tiếp tục trên đà phục hồi đồng đều, thậm chí có mặt tăng trưởng cao.

“Đến giờ này, GDP tăng 5,54%, con số này cho thấy nếu chúng ta quyết tâm thì cả năm có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,8%”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, nói.

Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì ở mức thấp, đồng VNĐ ổn định, dự trữ ngoại tệ cao. Qua đó, đến nay, tuy xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD… Cùng với đó, giải ngân vốn ODA tăng 41%, tương đương trên 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù nhập khẩu các mặt hàng có tăng nhưng chủ yếu vẫn là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.

Đến tháng 8/2014, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới có khoảng 47.500, giảm 9,5% nhưng tín hiệu đáng mừng là số vốn đăng ký bình quân 1 DN tăng khoảng 6 tỷ đồng.

Theo các cơ quan nghiên cứu, trong số DN thành lập mới tại một số nước, sau vài năm, con số đi vào hoạt động ổn định khoảng 60 - 65%, tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng trên dưới 70%.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể về nền kinh tế nước ta, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, dù kinh tế vĩ mô có quản lý, kiểm soát nhưng tính bền vững vẫn chưa cao, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng còn thấp…

“Chính phủ đã thống nhất quyết tâm trong 4 tháng còn lại của năm 2014, bằng những giải pháp đồng bộ đã đề ra từ đầu năm… đến cuối năm nay, dự kiến 12/14 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhận định.

Cân nhắc vay 1 tỷ USD để đảo nợ
Trước câu hỏi của phóng viên về Đề án phát hành Trái phiếu quốc tế của Chính phủ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đang thảo luận, cân nhắc việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế với mục đích đảo nợ.

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014.

“Hiện nay, chúng ta có khoản vay đảo nợ trên dưới 1 tỷ USD chịu lãi suất cao, do đó, Chính phủ đang cân nhắc vay từ các khoản vay khác với lãi suất thấp; tinh thần vay nợ mới là không làm thay đổi số nợ nhưng lãi suất giảm sẽ là giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ”, Người phát ngôn Chính phủ, nói.

Cũng tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ này, trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh Dự thảo Nghị định về kinh doanh casino, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, để hoàn thiện hệ thống pháp lý về vấn đề này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì Dự thảo Nghị định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo đồng ý để Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động casino.

Dự thảo đã được đăng trên website lấy ý kiến. Đã có rất nhiều ý kiến theo nhiều chiều, quan điểm trái ngược nhau ủng hộ cũng nhiều, phản đối chỉnh sửa cũng có.

“Chúng tôi rất lắng nghe đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên các website, để chúng tôi tập hợp ý kiến và sẽ hoàn thiện lại dự thảo”, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nói./.

Từ tháng 10/2013 đến nay, VAMC đã mua được với trị giá số dư nợ khoảng 55.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ mua được khoảng 70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu cho đến hết năm 2014.