Phụ nữ sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng khu vực APEC

PV.

Ngày 28/9/2017, tại TP. Huế đã diễn ra chương trình Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 với chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 (APEC WEF).

Các đại biểu dự Đối thoại công-tư về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017. Nguồn: internet
Các đại biểu dự Đối thoại công-tư về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017. Nguồn: internet

Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, chủ đề của Đối thoại lần này tuy ngắn gọn, nhưng thể hiện tinh thần quyết tâm, nghị lực vươn lên của các doanh nhân nữ trong thời kỳ mới. 

APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức. Đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.

Bởi vậy, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của khu vực. Theo đó, cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu; đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Trao đổi tại Đối thoại, bà Laskshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc cho rằng, cho rằng các nền kinh tế APEC cần làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy kinh tế APEC. "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ là đầu tư thông minh và đây là vấn đề cần chia sẻ nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm." - bà Laskshmi Puri khẳng định.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.

Để cụ thể hóa các nội dung trên, Đối thoại ưu tiên thảo luận các vấn đề nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Các đại biểu đều cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững và bao trùm. Nhiều nền kinh tế trong khu vực đang đẩy mạnh triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và bao trùm, và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chú trọng việc tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Theo đó, cần tăng cường vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách của APEC, nhất là trong việc xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020. APEC cũng cần tiếp tục tiên phong các nỗ lực toàn cầu về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn lồng ghép vấn đề tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ vào các chiến lược và chương trình hành động quốc gia.

Diễn đàn Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.

Được biết, các ý kiến trao đổi tại Đối thoại sẽ được tổng hợp thành những khuyến nghị để báo cáo các Bộ trưởng tại Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế diễn ra vào ngày 29/9/2017.