Quốc hội có nhà mới, kinh tế thay áo mới

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Ngày 20/10, khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Một Kỳ họp đặc biệt, không chỉ bởi sau 68 năm, lần đầu tiên Quốc hội có nhà mới của riêng mình, mà còn vì nền kinh tế cũng sẽ được thay áo mới, sau gần 4 năm ròng rã miệt mài trong khó khăn.

Quốc hội có nhà mới, kinh tế thay áo mới
Một phối cảnh nhà Quốc hội. Nguồn: Internet.

Nỗ lực trong khó khăn...

Trong các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị cho Kỳ họp này như tại các phiên họp của UBTVQH, các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đã thể hiện chung một tinh thần, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Tôi không cho rằng phải tô hồng tình hình kinh tế - xã hội, nhưng phải đánh giá rõ những mặt đạt được, tạo bầu không khí phấn khởi để bước vào năm sau dự báo còn khó khăn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đảm bảo 3 trụ cột lớn cho dân

Không chỉ đưa ra các con số, mà Chính phủ phải đánh giá, phân tích làm rõ tinh thần của nhân dân có phấn khởi không, đời sống vật chất, tinh thần có được nâng lên không. Từ đó tính ra kinh tế ổn định, tăng trưởng duy trì và có chiều hướng tăng lên hay không, lạm phát kiềm chế được ở mức hợp lý hay không hợp lý. Nhìn ở kết quả đạt được của năm 2014, tăng trưởng ở mức từ 5 đến 6%, lạm phát được kiềm chế trong khoảng 4 đến 5%, tôi cho rằng hợp lý.

3 trụ cột lớn cho dân đã được đảm bảo. Đó là an sinh xã hội, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện hơn, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được giữ vững. Nếu phân tích bối cảnh năm 2014 với tình hình trong nước và ngoài nước như vậy thì kết quả đạt được là đáng mừng. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của đội ngũ doanh nghiệp và đặc biệt là công tác điều hành, chỉ đạo vừa sát, năng động, giải quyết có bài bản, giải quyết cụ thể của Chính phủ và các cấp, các ngành. Đảng ta có chủ trương, Quốc hội ta có chủ trương và quyết định những vấn đề quan trọng, đặt ra mục tiêu, đặt ra nhiệm vụ đúng hướng và kịp thời giải quyết các vấn đề pháp luật để Chính phủ điều hành.

Tất nhiên, nền kinh tế cũng còn nhiều điểm yếu kém như quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, nợ công là một mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực...Tôi không đề nghị các cơ quan phải tô hồng. Nhưng cần đánh giá để một là thấy thành tựu rõ, hai là thấy khuyết điểm đã rõ và ba là thấy nhiệm vụ và giải pháp. Nhân dân ủng hộ, tin tưởng, tạo bầu không khí phấn khởi để bước vào năm sau dự báo còn khó khăn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Lan tỏa tinh thần đồng thuận

Năm nay, nền kinh tế của chúng ta tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có bước tiến bộ hơn năm trước, xu hướng phát triển có bước chuyển động. Dự báo năm 2015 sẽ phát triển khá hơn năm nay, các mặt yếu kém, tồn đọng giảm đi.

Để giải quyết căn cơ các vấn đề của kinh tế đất nước thì phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế một cách kiên trì, bài bản, kết hợp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Chủ trương này đến nay đã đạt những kết quả trên từng mặt nhưng trên tổng thể thì hình hài chưa ra rõ, cần thêm một khoảng thời gian nữa kiên trì thực hiện liên tục.

Sau 30 năm đổi mới, nhiều thành tựu của đất nước được thế giới ca ngợi, vượt qua được khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ chỗ đói đến hết đói, giảm nghèo rất nhanh… Nhưng bên cạnh đó, một điều không thể không nói là nước ta lẽo đẽo đứng thứ sáu trong ASEAN, vượt lên không được, đuổi mãi không kịp Thái Lan, không kịp Philippines; trong khi 5 năm tới là một cuộc đọ sức ghê gớm về hội nhập, phải mở cửa rộng hơn nữa. Chính vì vậy, phải tạo được sự đồng thuận trong nội bộ Đảng, Nhà nước và lan tỏa ra nhân dân để giải quyết hiệu quả những bài toán nóng bỏng đang đặt ra với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thành quả tăng trưởng cho mọi người

Sau cuộc làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Ban Kinh tế TƯ mới đây về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2014, Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ đã chia sẻ những trăn trở của ông khi thực hiện Báo cáo này.

Mục tiêu tối thượng

Trong đó, trăn trở lớn nhất của ông Vương Đình Huệ là đổi mới mô hình tăng trưởng phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế  phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.

Tại Nghị trường năm 2012, nhắc đến bữa ăn của người nghèo, một nữ đại biểu QH bật khóc và theo bà, tăng trưởng GDP chỉ thực sự có ý nghĩa khi người dân cảm nhận được đời sống của họ khá lên. Đồng cảm với nỗi niềm này, Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ cho rằng để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế thì có nhiều chỉ tiêu, trong đó, tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu quan trọng và nhiều người đã cho rằng hiểu một cách đơn giản, thì GDP chính là con số thể hiện sự thịnh vượng của một quốc gia. Tăng trưởng GDP hàng năm có thể phản ánh nhiều chuyển động của nền kinh tế như việc đầu tư nhiều hơn cho phát triển hạ tầng; giảm nhập siêu…trong đó có thể có cả việc đời sống của người dân năm nay có sung túc hơn so với năm ngoái hay không.

“Trong những năm qua, để việc tăng trưởng GDP có ý nghĩa với đa số người dân, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cấu trúc lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Khi thực hiện công cuộc này, chúng tôi có kiến nghị rằng về mục tiêu tăng trưởng,  cần hướng tới các mục tiêu dài hạn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người”, ông Huệ nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi  quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong 3 năm qua đã hướng tới được mục tiêu tăng trưởng vì con người và cho tất cả mọi người chưa? Theo Trưởng ban Kinh tế TƯ, một thực tế thấy rõ của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà chúng ta thực hiện trong 3 năm qua, là quan điểm tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường đã được quan tâm nhiều hơn. An sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, trong 3 năm 2011-2013, cả nước tạo việc làm cho trên 4.601 nghìn người, đạt 57,52% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra.

Đồng thời với đó là việc phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội tiếp tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2011-2013, kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác an sinh xã hội ước đạt 913.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 34,1% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Nghe nhiều thêm nữa tiếng dân

Nhưng liệu người dân có cảm thấy rõ những chuyển động tích cực của quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng? Muốn trả lời được điều này thì chúng ta còn phải lắng nghe thêm nhiều hơn nữa tiếng nói, hiểu được nhiều hơn nữa tâm tư của người dân. Nhưng nếu chỉ nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô ổn định từ năm 2011 đến nay, tôi tin rằng người dân cảm nhận rõ đời sống của họ đã tốt hơn trước, khi mà không hàng ngày phải thường trực nỗi lo giá cả liệu có lại leo thang lên nữa hay thôi như những năm trước đây”, ông Huệ nói.

Cùng với việc duy trì được tốc độ tăng  trưởng là kiềm chế thành công lạm phát. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 3 năm 2011-2013 đạt 5,64%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của các nước ASEAN cùng thời kỳ . Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế từ năm 2010, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức 5,25% của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên hơn 171 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 1.908 USD. Lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ lạm phát đã giảm mạnh từ mức 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và chỉ còn 6,04% vào năm 2013.

Còn ở góc độ các chuyên gia và nhà khoa học, khi bắt đầu quá trình cấu trúc lại, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thấy rất khó khăn để “mường tượng” ra hình thù cụ thể của nền kinh tế sẽ ra sao. Vậy đến nay, sự đổi thay về mô hình tăng trưởng đã dễ hình dung hơn chưa? Theo Trưởng ban Kinh tế TƯ, trong giai đoạn 2011-2013, mô hình tăng trưởng có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang theo hướng chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, hệ số gia tăng vốn đầu ra (ICOR) giảm từ 6,7 giai đoạn 2006-2010 còn 5,53 giai đoạn 2011-2013. Trình độ công nghệ sản xuất giai đoạn 2011-2013 đã có thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn…

Cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm đạt được một số kết quả bước đầu, có tác động tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Chẳng hạn, cơ cấu lại đầu tư công bước đầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giảm đầu tư có tính chất đầu cơ, cơ cấu đầu tư có chuyển biến hợp lý hơn, hiệu quả đầu tư công được cải thiện tuy còn khá khiêm tốn (hệ số ICOR bình quân khu vực kinh tế nhà nước giai đoạn 2011-2013 đã giảm xuống còn khoảng 7,5 so với mức 9,6% giai đoạn 2006-2010); tiến độ, chất lượng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tiến bộ đáng kể. Hay trong việc cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hệ thống. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng...

Tuy nhiên, ông Huệ nhận định với nhiều tâm tư: “Để thực hiện thành công quá trình này, thì còn rất nhiều công việc phải làm cũng như nhiều khó khăn cần phải rất nỗ lực và quyết tâm thì mới có thể vượt qua để đưa nền kinh tế phát triển bền vững”