Quốc hội thông qua 3 Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với số phiếu tán thành cao

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Chiều 26/11, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đó là: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Trong đó, 2 dự án Luật về thuế được trình Quốc hội theo trình tự rút gọn tại 1 kỳ họp.

Quốc hội thông qua 3 Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với số phiếu tán thành cao
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: internet

Tăng cường vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,11%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Luật gồm 10 chương 66 điều, quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Luật là đại diện chủ sở hữu nhà nước; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Luật cũng quy định rõ 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đó là: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Đầu tư vốn nhà nước để hình thành và duy trì doanh nghiệp ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp theo quy định tại Điều 10 và Điều 16 của Luật này; Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; Bảo đảm có hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp; Bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

Lùi thời hạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB đã được 366 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 73,64%). Luật chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, mặt hàng kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin, nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về thuế suất, Luật quy định việc điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1/1/2016 và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu, cụ thể như sau đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018...

Về ý kiến trước đó đại biểu QH đề nghị bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB để hạn chế tác hại của việc lạm dụng nước ngọt có ga gây béo phì, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, tim mạch… nhất là đối với trẻ em. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB đã được Cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với đề xuất thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này…Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Về thuế suất đối với thuốc lá, Luật vẫn quy định như dự thảo, theo đó, thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá có thuế suất 70% từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2018, thuế suất 75% từ ngày 1/1/2019. Trước đề nghị đẩy nhanh lộ trình tăng thuế thuốc lá, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội cho giữ lộ trình và mức tăng thuế suất đối với thuốc lá như Dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, kể cả tiêu thụ nội địa, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, thời điểm thực hiện đối với các mặt hàng chịu thuế từ ngày 1/7/2015 sẽ chuyển sang thực hiện từ ngày 1/1/2016.

Không quy định xóa phạt chậm nộp thuế trong Luật

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế với 425 đại biểu tán thành (chiếm 85,51%).

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư; giảm bớt khó khăn về vốn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách trong dài hạn.

Luật quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tài nguyên, Luật quy định "miễn thuế đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt"...

Dự thảo đã thống nhất việc bỏ quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại. Theo Ủy ban Thường vụ QH, việc quy định khống chế chi quảng cáo đã được thực hiện từ năm 1999 đến nay, tỷ lệ khống chế được quy định tăng dần qua các năm (từ 7% năm 1999 đến nay là 15%). Việc giới hạn chi phí quảng cáo đã hạn chế doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ phát triển thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cùng với việc bỏ quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại, Ủy ban Thường vụ QH cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong việc hạch toán chi phí quảng cáo, tránh việc lợi dụng cơ chế thông thoáng để gian lận, trốn thuế; rà soát lại các quy định tại Luật Thương mại, Luật Giá để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các khoản chi hoa hồng, khuyến mại, nhất là các khoản chi hoa hồng trong lĩnh vực y tế, xuất bản và phát hành sách giáo khoa...

Đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế không quy định về xóa tiền phạt chậm nộp. Trường hợp cần thiết phải xóa tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2013 như đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết riêng.

Ngoài ra, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã bổ sung quy định: Bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% tính trên số tiền chậm nộp thuế đối với số thuế chậm nộp trên 90 ngày, giữ mức phạt chậm nộp 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế nợ phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.