Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế

GS.,TS. Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

(Tài chính) Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vai trò quan trọng và nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo soạn thảo và ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Tạp chí Tài chính trân trọng giới thiệu bài viết của GS.,TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 05/11/2012.

Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế

Quá trình cải cách DNNN đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật nhất là đã hình thành khá đồng bộ hệ thống thể chế tạo khung pháp lý cho đổi mới, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN cũng như đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước đối với DNNN. Khu vực DNNN được sắp xếp, tổ chức lại, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia. Cổ phần hóa DNNN đã được triển khai từng bước vững chắc: Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng hơn: Lợi nhuận bình quân tăng 3,2 lần, nộp ngân sách tăng 2,5 lần, doanh thu tăng 1,9 lần, số lao động bình quân tăng 12%...

Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) nhà nước đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế những năm gần đây, các TĐKT, TCT nhà nước đóng góp quan trọng trong bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, góp phần để Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thêm vào đó, mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng tại DNNN được đổi mới phù hợp hơn với điều kiện DN hoạt động trong cơ chế thị trường… 

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua tổng kết, đánh giá của Đảng và Chính phủ cho thấy DNNN còn có những hạn chế và bất cập như: vẫn còn thiếu sự tập trung thống nhất và chặt chẽ trong quản lý; tiến độ cổ phần hóa còn chậm; một số TĐKT, TCT nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính nhưng thiếu việc kiểm soát chặt chẽ; hiệu quả hoạt động, đầu tư, sức cạnh tranh của nhiều DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực được ưu đãi phân bổ; năng lực quản trị DN chưa được nâng cao, chậm được đổi mới; mô hình tổ chức Đảng trong DN chưa thực sự phù hợp với mô hình tổ chức quản lý DN… 

Tại Hội nghị TW 3 Khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định: Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Đây là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để DNNN thực sự khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế nhà nước, là quá trình tiếp tục của đối mới, sắp xếp DNNN đồng bộ, gắn với Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015. Năm 2012 được xác định là cột mốc thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trên các lĩnh vực của nền kinh tế mà Chính phủ đã hoạch định.

Để triển khai quá trình tái cơ cấu DNNN, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. Theo Quyết định này, hai mục tiêu chính được xác định là DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước; DNNN phải nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với DN hoạt động công ích. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bên cạnh việc phân loại DN theo các nhóm xác định thì cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; tái cơ cấu toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm; tổ chức lại một số TĐKT, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, để DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác…

Nâng cao hơn nữa nhận thức; quyết liệt, cụ thể trong thực hiện

Với những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ trong Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015”, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Đồng thời với quá trình này, các nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu DNNN bao gồm các nội dung quan trọng sau: Khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 của các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các DNNN nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa.

Các TĐKT, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2012, các đề án này cần bảo đảm hiệu quả của việc rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020. Đặc biệt, nội dung Đề án tái cơ cấu của từng TĐKT, tổng công ty nhà nước hết sức chú trọng đến việc xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các DN thành viên; xây dựng phương án tài chính để xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu. Song song với quá trình ấy, các TĐKT, TCT nhà nước cần tích cực triển khai các yêu cầu về đẩy mạnh liên kết giữa các DN thành viên trong TĐKT, TCT nhà nước; tích cực áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quản trị DN quốc tế; tăng cường hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ; tích cực đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Để tạo điều kiện thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong phạm vi trách nhiệm của mình các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm lãnh đạo trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được phê duyệt. Các bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật (Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải) cần chú trọng rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu DN hoạt động trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012 và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tóm lại, các thách thức của việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới DNNN là rất gay gắt trong bối cảnh nước ta đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt việc đổi mới, cơ cấu lại để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đang có tại khu vực DNNN sẽ tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao mức tăng trưởng GDP của nước ta. Hoạt động tái cấu trúc không chỉ cần thiết đối với bản thân khu vực DNNN mà lớn hơn thế, công tác này còn trực tiếp phục vụ và hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tái cấu trúc DNNN là một quá trình dài và là một chính sách mở, do đó, việc thực hiện đề án không thể chủ quan nóng vội nhưng cũng không được phép chậm chạp; đồng thời  cũng không nên hiểu chủ trương tái cấu trúc DNNN một cách cứng nhắc như là một sự duy trì tỷ lệ lớn vốn nhà nước mà phải thực hiện công việc này một cách linh hoạt, tăng cường việc tổng kết, rút kinh nghiệm song song với việc mạnh dạn tìm tòi, áp dụng, thực hiện những biện pháp, giải pháp mới đã được suy ngẫm kỹ để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Tái cấu trúc DNNN là một trong những mục tiêu, chiến lược quan trọng, đã chín muồi, được soi sáng bằng kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương; đặc biệt là huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện, tin tưởng rằng nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước sẽ đạt kết quả như mong đợi, đóng góp vào thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.