Sai lầm về chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tạp chí National Interest trong bài “Những sai lầm về chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông” viết: Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng trong các tranh chấp trên Biển Đông thì vị thế của họ trên trường quốc tế càng bị tổn hại. Những gì mà Trung Quốc đã đạt được trong việc giành được sự tôn trọng của ASEAN trong những năm 1990 của thế kỷ trước có thể sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Trung Quốc đang có những chiến lược sai lầm trên Biển Đông. Nguồn: internet
Trung Quốc đang có những chiến lược sai lầm trên Biển Đông. Nguồn: internet

Thứ nhất, hành động này đưa đến thất bại về ngoại giao.

Ngày 10/5/2014, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và bày tỏ quan ngại của mình về những vụ việc gần đây cũng như tái khẳng định tầm quan trọng của hoà bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung như vậy về tình hình Biển Đông khi họ nhận thức rất rõ mối đe doạ về hoà bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Điều này cũng cho thấy một thất bại trên mặt trận ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước ASEAN.

Thứ hai, những hành động của Trung Quốc khiến họ không thể lý giải được việc hiện đại hoá quân sự của mình.

Bắc Kinh tuyên bố rằng việc này chỉ nhằm để phòng vệ và sẽ không gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Trong suốt những giai đoạn căng thẳng trên Biển Đông từ năm 2007-2013, Trung Quốc thường kiềm chế không sử dụng lực lượng hải quân và thường sử dụng lực lượng ngư chính để phục vụ tham vọng của mình. Trong căng thẳng về bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines năm 2012, không có tàu hải quân Trung Quốc nào được điều đến khu vực này và Trung Quốc đã sử dụng các tàu ngư chính và tàu cá để đuổi tàu Philippines ra khỏi đây.

Nay, để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 của mình, Bắc Kinh đã điều 7 tàu hải quân và 33 tàu ngư chính cùng hàng chục tàu hải cảnh, tàu vận tải và tàu cá. Đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua, tàu Hải quân Trung Quốc trực tiếp tham gia vào các tranh chấp trên Biển Đông. Chính vì thế, các nước có lý do để lo ngại về mục đích thực sự của việc hiện đại hoá quân đội Trung Quốc.

Thứ ba, động thái của Trung Quốc sẽ gây bất ổn trong khu vực và ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc tái cấu trúc nền kinh tế của mình để duy trì sự phát triển.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức cực lớn trong nước như ô nhiễm môi trường, dân số già và các hoạt động khủng bố diễn ra thường xuyên tại Tây Tạng và Tân Cương. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu chững lại và lãnh đạo Trung Quốc đang muốn tạo ra một môi trường ổn định bên ngoài để tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Trung Quốc đã gây bất ổn trong khu vực và cản trở việc phát triển bền vững của nước này.

Để phản ứng lại với những hành động này của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN đã cùng nhau xây dựng lực lượng quân đội của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Các nước ASEAN cũng hoan nghênh sự tham gia của các nước khác như Mỹ, Nhật và Ấn Độ vào các vấn đề trong khu vực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Nói cách khác, hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ càng làm tăng tốc việc hướng Đông của Mỹ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề mong muốn.

Theo GS. Allen R. Carlson của Trường ĐH Cornell (Mỹ), mưu đồ thâm hiểm này cũng vạch trần “gót chân Achilles” của nước này. Giáo sư nhìn nhận: “Đông Nam Á là nơi có đông người Trung Quốc sinh sống và ngày càng nhiều công dân Trung Quốc đòi hỏi chính phủ bảo đảm an toàn cho cả người dân trong nước lẫn ở nước ngoài”.

Ở Indonesia đã nổ ra làn sóng bài người Trung Quốc vào năm 1998. Chính phủ Bắc Kinh lúc đó bất lực nên bị người dân trong nước chỉ trích nặng nề. Cũng theo ông Carlson, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc chọn cách trả đũa mạnh tay thì đối tượng bị trút giận cuối cùng vẫn là người Trung Quốc ở nước ngoài.

“Nếu Trung Quốc càng đẩy mạnh những hành động ngang ngược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này, thì các nước trong khu vực sẽ hợp sức cùng nhau tạo thành một liên minh để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc”. Đó là nhận định của nhà báo Geoff Dyer, cựu Trưởng Văn phòng tờ Financial Times (Anh) tại Bắc Kinh, trên trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).

Trong bài phân tích trên tờ The Washington Times mới đây, tác giả Miles Yu viết: Trung Quốc đã trở thành một cường quốc toàn cầu, vươn rộng ra tất cả các châu lục, nhưng chưa bao giờ bị cô lập như thế này. Có lẽ, Bắc Kinh, vốn bị che mắt bởi sự gia tăng quân sự của mình và hạn chế trong nhận thức về khả năng quân sự của Mỹ, đã khiến cho 14 quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với mình, cùng hàng loạt các quốc gia nước ngoài khác, sợ hãi và oán ghét. Trung Quốc đã gây căng thẳng với các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, do những đòi hỏi ngang ngược về chủ quyền.

Đó là chưa kể, Trung Quốc cũng có thể liên quan tới các cuộc đụng độ nhỏ hoặc có khả năng xảy ra với các quốc gia khác đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc - như Malaysia, Hàn Quốc, Bhutan, Indonesia, Brunei. Thậm chí, Triều Tiên cũng có tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực núi Baekdu ở biên giới.

Trung Quốc đã đạt được thoả thuận về biên giới với Nga, Mông Cổ, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Myanmar. Tuy nhiên, những lời kêu gọi giành lại lãnh thổ đã mất về tay Trung Quốc tại những quốc gia này đã bùng lên ngày càng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông trực tuyến.

Bài báo kết luận: Đắm chìm vào kế sách "Viễn giao cận công" (Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực) - 1 trong 36 sách lược quân sự Trung Quốc cổ đại, Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân trong âm mưu của chính mình.

Báo Pháp Le Figaro, trong bài “Bắc Kinh phủ bóng vũ lực trên Biển Đông”, cho rằng, Trung Quốc, vốn đang say sưa trên đà lớn mạnh, đã theo đuổi tham vọng biển đảo, đòi hỏi chủ quyền (phi lý và phi pháp) trên gần như toàn bộ Biển Đông, gây sứt mẻ mối quan hệ với các nước láng giềng.

Những sự việc xảy ra gần đây ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc ngày càng ngạo mạn và sẵn sàng áp đặt luật lệ riêng của mình tại thực địa để đòi hỏi, yêu sách. Một số báo chính thức của Trung Quốc còn không ngần ngại kêu gọi Bắc Kinh dùng vũ lực để đạt được mục đích.

Theo nhận định của Le Figaro, Trung Quốc có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Thế nhưng, nếu có ý đồ dùng vũ lực với Việt Nam thì Trung Quốc cũng cần nhớ lại rằng trong quá khứ, đã có lúc lãnh đạo nước này lớn tiếng đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”, nhưng cuối cùng Bắc Kinh đã thất bại thảm hại. Báo Pháp cho rằng, trong lịch sử, cả Pháp, Mỹ cũng đã không lay chuyển được ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia đánh giá, căng thẳng xung quanh động thái Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực gần biển Hoàng Sa của Việt Nam là lần đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong vài năm trở lại đây, đánh dấu bước leo thang đáng kể trong âm mưu của Bắc Kinh nhằm đòi hỏi chủ quyền phi pháp tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Bài báo dẫn lời chuyên gia cấp cao Theresa Fallon tại Viện Nghiên cứu châu Á tại Brussels (Bỉ) cho rằng, động thái của Trung Quốc là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực và nhằm chọc giận Việt Nam.

Chuyên gia cấp cao Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định cuộc đối đầu đang diễn ra trên Biển Đông là một tình huống chưa từng có tiền lệ, số lượng lớn tàu Trung Quốc xuất hiện là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc kiên quyết đảm bảo rằng giàn khoan này có thể hoạt động ở vùng nước này.

Wall Street Journal khẳng định Trung Quốc và Việt Nam đã từng trải qua một cuộc chiến tranh biên giới, tuy ngắn ngủi nhưng rất đau thương, năm 1979. Dù rằng ngày nay, sức mạnh của Trung Quốc hùng hậu hơn Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ nhanh chóng lùi bước.

Để củng cố thêm cho luận điểm của mình, tờ này dẫn lời ông James Hardy, biên tập viên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly nhận định: “Việt Nam có lịch sử chưa từng lùi bước trước những cuộc đối đầu quân sự”.

Trong bài “Kịch bản chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Đông”, tác giả Jeff Moore viết việc Trung Quốc triển khai giàn khoan biển nước sâu Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 5/2014 là một sự leo thang nguy hiểm trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Khả năng va chạm hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn chỉ ở mức có thể xảy ra nữa.

Jeff Moore viết: Trung Quốc lo ngại Việt Nam đang mạnh lên. Kinh tế Việt Nam phát triển. Việt Nam đang hiện đại hóa quân đội và hải quân để bảo vệ Biển Đông - nơi đóng vai trò trung tâm đối với ngành hàng hải, ngư dân và lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Theo quan điểm của Bắc Kinh, làm giảm sức mạnh đang chớm nở của Việt Nam là trò chơi thông minh.

Theo tác giả Jeff Moore, xem ra tình hình sẽ căng thẳng hơn. Một nước Việt Nam bị dồn vào chân tường sẽ phản ứng dữ dội hơn những gì mà Bắc Kinh lầm tưởng. Các nước ASEAN sẽ buộc phải đoàn kết trước các hành động của Trung Quốc và điều này đi ngược lại các mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản sẽ tiến hành tái vũ trang. Còn Mỹ chưa hẳn là quá suy yếu và bị tổn thương đến mức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không còn khả năng hành động.

Jeff Moore cho rằng Bắc Kinh dường như bị mù quáng về sự trỗi dậy Trung Hoa, về tự hào dân tộc và thành công kinh tế. Do vậy, Trung Quốc đang trên đường tự cô lập mình về mặt quân sự, khi hành động một cách vội vã. Chỉ có các chiến lược gia sáng suốt của Trung Quốc mới có thể giúp làm giảm nhiệt tình hình đang rất nóng bỏng này.

Trung Quốc lại có thêm những hành động khiêu khích tại phía Nam Biển Đông

Cổng thông tin Interaksyon của Philippines dẫn lời ông Peter Paul Galvez, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines xác nhận các thông tin mà báo chí đưa ra trước đó rằng Trung Quốc đang di chuyển đất đá trên Gạc Ma có thể sẽ tạo nên một đường băng. Quan chức Quốc phòng Philippines e rằng nếu Trung Quốc xây dựng trái phép được đường băng trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đó sẽ là bước đầu tiên trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. "Nếu thực sự đây là một đường băng, chắc chắn đó sẽ là mối quan ngại an ninh lớn", ông Peter Paul Galvez nói.

Gạc Ma là một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Tại buổi thảo luận về an ninh châu Á do Quỹ Báo chí châu Á tổ chức hồi đầu tháng này, tân Đại sứ EU tại Singapore, Michael Pulch nhận xét: Trước đây người ta chỉ nghe tranh chấp Biển Đông liên quan Trung Quốc với 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Nay, Indonesia có vẻ trở nên “một nhân tố mới” trong vấn đề Biển Đông

Năm 2013 và đầu năm nay, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến xuống tận bãi James ở phía đông Malaysia để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là lãnh thổ ở cực nam Biển Đông.

Theo Giáo sư Carl Thayer (Australia), mặc dù hiện tại, Trung Quốc đang tập trung tấn công Philippines và Việt Nam, nhưng logic trong các hành động của Trung Quốc chỉ ra một kế hoạch lâu dài, đó là cứng rắn với tuyên bố chủ quyền của mình và thực thi kiểm soát tất cả các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn. Và điều đó sớm muộn gì cũng tạo ra tranh chấp pháp lý giữa Bắc Kinh và Jakarta. Tình thế sẽ trở nên căng thẳng đặc biệt nếu Trung Quốc cũng giở trò với Indonesia như đang làm với Việt Nam, đó là đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Nhận thấy các nguy cơ này, bắt đầu từ năm nay, quân đội Indonesia đã trở nên chủ động lên tiếng về việc bảo vệ chủ quyền quanh đảo Natuna. Một loạt các dự án hiện đại hóa căn cứ không quân và hải quân được triển khai, trong khi các chiến hạm và chiến đấu cơ hiện đại cũng được chuyển về những cơ sở này.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, hồi cuối tháng 2/2014 khi thông báo tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Natuna đã nói: Do Natuna nằm ở vị trí chiến lược, nên tăng cường lực lượng trên biển, trên bộ lẫn trên không quanh quần đảo này là cần thiết để lường trước bất kỳ bất ổn nào trên Biển Đông và có tác dụng như một hệ thống cảnh báo sớm cho Indonesia và quân đội.

Điều đáng nói là phát biểu này được đưa ra ngay sau khi ông Moeldoko trở về từ chuyến thăm Trung Quốc với cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải.