Sửa Luật, chỉ số nộp thuế của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện

Theo mof.gov.vn

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 13/11 khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát biểu tại Quốc hội, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) sửa một số Luật thuế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những giải pháp về thuế này sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thời gian tới.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, đó là: Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế sẽ góp phần giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nhất là sản xuất, lưu thông nông sản, thủy hải sản trong nước. Đồng thời phòng chống tình trạng gian lận về hoàn thuế GTGT trong khâu lưu thông đối với hàng hóa nông sản, thủy hải sản...

Bên cạnh đó, những điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện các cam kết giảm dần tiến tới bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần (2 - 3 năm); Tiếp tục góp phần đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã thực hiện quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19 của Chính phủ, vì vậy chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng mạnh, từ hạng 172 lên 168. “Đây là thành quả bước đầu đáng khích lệ”, Đại biểu Phúc nói.

Đại biểu tin tưởng rằng, sau lần sửa đổi Luật lần này, chỉ số nộp thuế của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện. Do đó, Đại biểu cơ bản thống nhất với giải trình của Ủy ban Tài chính ngân sách của QH về 2 nội dung về sửa đổi thuế GTGT, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thuận lợi trong điều kiện hội nhập, khuyến khích nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tăng cường quản lý thuế, hoàn thuế, chống thất thu ngân sách.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại để đảm bảo minh bạch, công bằng với sản xuất hàng hóa ở trong nước, đồng thời tạo tính cạnh tranhlành mạnh, tăng cường quản lý thuế và chống thất thu ngân sách.

Đối với thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô,Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thêm về cơ cấu ngân sách, nhất là thu từ dầu thô sụt giảm, thuế xuất nhập khẩu sẽ điều chỉnh theo lộ trình, các hiệp định FTA sắp có hiệu lực, nếu tiếp tục giảm thuế sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. ĐB cũng cho rằng, cần cân nhắc thêmvề cơ sở hạ tầng giao thông tác động như thế nào khi chúng ta điều chỉnh giảm các mức thuế đối với dòng xe phổ thông khi tiêu thụ ra thị trường.

Đồng tình với quan điểm này về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, một số Đại biểu cũng đề nghị cần phải giảm có lộ trình vì lo ngại nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.

Về quy định xác định giá tính thuế TTĐB, theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB cho hàng hóa Nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước giống nhau, là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra (thay vì quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra đối với hàng hóa sản xuất trong nước và giá tính thuế NK và thuế NK đối với hàng hóa Nhập khẩu).

Đại biểu cho rằng, sự thay đổi cơ bản này là hợp lý và đúng đắn, vì bảo đảm được tính công bằng cho hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu, bảo đảm nguyên tắc cơ bản của thuế TTĐB là thuế tiêu dùng, phù hợp với xu hướng chung của các nước phát triển trong việc lựa chọn nguyên tắc xác định giá tính thuế.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, một số nội dung cụ thể cần xem xét thấu đáo vì việc thay đổi này có tác động sâu rộng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý và lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của nhà sản xuất cũng như nguồn thu NSNN.

Đại biểu ví dụ: Quy định về giới hạn giá tính thuế “không được thấp hơn mức tỷ lệ % do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Trường hợp giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra không theo giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”. Quy định như vậy nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế của một số cơ sở sản xuất kinh doanh gây thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, sự điều chỉnh chính của pháp luật nên bằng các công cụ chính sách chứ không nên bằng việc tạo ra các rào cản mang tính “áp đặt”.

Do đó, đại biểu đề nghị loại bỏ quy định về giới hạn tỷ lệ %, thay vào đó là quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thuế.

Về tỷ lệ tính tiền chậm nộp tiền thuế tại Luật Quản lý thuế, Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Nghệ An) nhất trí với nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường. ĐB bày tỏ: “Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với việc giảm mức phạt chậm nộp tiền thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức phạt chậm nộp xuống là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương với khoảng 10,95%/năm như Dự thảo Luật là chưa phù hợp, vì tỷ lệ này thấp hơn so với mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ chây ì, chậm nộp thuế”.

Do đó, Đại biểu đồng ý với ý kiến của một số Đại biểu đã đề xuất, nên quy định tỷ lệ tính tiền chậm nộp theo mức bằng 0,04%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương 14,6% năm là hợp lý, vì tỷ lệ này thấp hơn mức quy định của Luật cũ, nhưng cao hơn so vớilãi suất của các Ngân hàng thương mại, nên sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế vào chiều 25-11 và biểu quyết thông qua Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) vào chiều 26-11./.