Tầm quan trọng của hợp tác Nhật Bản - Việt Nam (*)

GS. Kumao Kaneko, Chủ tịch Hội nghiên cứu Chiến lược Năng lượng Nhật Bản

(Tài chính) FinancePlus.vn trân trọng giới thiệu trích lược bài viết của GS. Kumao Kaneko, Chủ tịch Hội nghiên cứu Chiến lược Năng lượng Nhật Bản về mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang trong giai đoạn tốt đẹp. Nguồn: Internet
Mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang trong giai đoạn tốt đẹp. Nguồn: Internet
Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước có triển vọng nhất trong 10 nước ASEAN, mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang trong giai đoạn tốt đẹp. Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam là quốc gia quan trọng đối với Nhật Bản, là một trong số ít quốc gia mà Nhật Bản ký kết “Đối tác chiến lược”. Đặc biệt, chính quyền Abe hiện nay, bên cạnh việc quan tâm tới Ấn Độ, cũng đang rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Tầm quan trọng của hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực an ninh trên biển

Việt Nam cùng giống như Philippines, đang có những mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển, ví dụ như Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các tuyến đường trên biển của biển Đông (Shirenin) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản. Đặc biệt là sau sự cố 11/3/2011, nhà máy năng lượng hạt nhân đã dừng hoạt động hoàn toàn, để bù đắp cho việc đó, các nhà máy nhiệt điện đã phát triển nhanh chóng (chiếm khoảng 90% tổng sản lượng điện), nhưng gần 90% lượng dầu nhập khẩu được sản xuất ở Trung Đông, và vận chuyển thông qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và biển Đông bằng các tàu chở dầu. Vì vậy, sự an toàn của các chuyến tàu trên biển Đông là vấn đề sống còn đối với Nhật Bản. Ở Ấn Độ Dương, hoạt động hợp tác đa dạng giữa Nhật và Ấn Độ (bao gồm cả trao đổi giữa Hải quân Ấn Độ với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản) với ý nghĩa đó đã được triển khai. Và quan hệ hợp tác về mặt này giữa Nhật Bản với Việt Nam cũng hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, với quy định của điều 9 trong Hiến pháp, Nhật Bản bị hạn chế nghiêm ngặt về  hoạt động quân sự ở nước ngoài, chính vì vậy, mối quan hệ trực tiếp giữa Hải quân Việt Nam với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản là rất khó. Vì vậy, việc hợp tác có thể chỉ thực hiện được dưới hình thức là hoạt động ở mức độ cảnh vệ (như đối sách chống khủng bố và cướp biển), phía Nhật Bản đang thực hiện các đối ứng trên cơ sở các trạm bảo an trên biển (Quân tuần tra bảo vệ bờ biển). Tôi được biết rằng Nhật Bản sẽ cung cấp từ một vài tàu tới 10 tàu tuần tra hàng hải với thiết bị hiện đại (Tàu tuần tra) tới Philippines và Indonesia dựa trên vốn ODA và câu chuyện tương tự cũng sẽ áp dụng với Việt Nam. Và tàu luyện tập của trường Đại học Bảo đảm An ninh Trên biển (Kojima) cũng đã cập cảng Đà Nẵng.

Tất nhiên, mục đích của những hợp tác trên chỉ là để đảm bảo an toàn giao thông trên biển, không có hành động quân sự. Không nên có những hành công kích vô ích tới Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng đối với cả Việt Nam và Nhật Bản. Hơn nữa, Trung Quốc không phải là đối thủ có thể đối phó bằng một hay hai nước.

Phương thức “Ngoại giao đa phương” của Việt Nam hiện nay là điều nên được tiếp tục duy trì, và Nhật Bản cần học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam. Hai nước Nhật Bản và Việt Nam nên vận dụng hết trí tuệ để tiếp tục xử lý hiệu quả mối quan hệ đối với Trung Quốc.

Tầm quan trọng và xu hướng hợp tác năng lượng nguyên tử giữa Nhật Bản và Việt Nam

Nhật Bản, nói chính xác là một nước không có tài nguyên, chứ không phải là có ít tài nguyên với tỷ lệ tự cấp là 4%. Từ xa xưa, năng lượng đã là “gót chân A-sin” của Nhật Bản. Do cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970, Nhật Bản đã tập trung vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với nguồn năng lượng sản xuất một nửa là trong nước. Theo kế hoạch trước sự cố 11/3, thị phần của nhà máy điện nguyên tử là 30%, dần dần tăng lên đến 40%, và xa hơn nữa sẽ là 50%. Tuy nhiên, do sự cố không may 11/3, tỷ lệ điện hạt nhân đang trở về con số 0. Hiện nay, tại Nhật Bản đã có 49 trong tổng số 50 lò phản ứng điện hạt nhân ngừng hoạt động. Chính quyền Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đang có chính sách tái khởi động lò phản ứng đã được Uỷ ban kiểm soát năng lượng Hạt nhân xác định là an toàn. Hiện tại, vấn đề ô nhiễm nước tại nhà máy điện Fukushima đã trở nên nghiêm trọng, chính phủ đang thay TEPCO đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.

Khác với Nhật Bản, Việt Nam là nước có thể sản xuất than và dầu, tuy nhiên hiện tại sản lượng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là nơi rất thích hợp cho phát triển thủy điện. Từ thời chiến tranh lạnh, Việt Nam đã xây được nhà máy thủy điện tại một số con đập nhờ vào sự hỗ trợ của Xô Viết - Liên Xô cũ. Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam - nơi đang phát triển mạnh về công nghiệp, những vùng thích hợp để làm nhà máy thủy điện lại rất ít, hơn nữa, việc chuyển tải điện với khoảng cách dài cũng rất khó. Chính vì vậy, miền Nam bị phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên, Nhật Bản cũng đang hợp tác xây dựng xây dựng nhà máy nhiệt điện bằng vốn ODA. Tuy nhiên, về tổng thể thì Việt Nam rõ ràng đang thiếu điện, nếu cứ giữ nguyên tình trạng này, có lẽ sẽ cản trở việc phát triển kinh tế của nước này. Việt Nam cũng đang dồn sức vào việc khai thác dầu khí ngoài khơi tại biển Đông, nhưng nếu tìm thấy được lượng lớn dầu khí tại đây thì tình trạng tranh chấp với Trung Quốc sẽ càng trở nên gay gắt. Tóm lại, để đáp ứng nhu cầu điện năng đang tăng đáng kể trong tương lai, Việt Nam buộc phải dựa vào năng lượng hạt nhân. Bởi vậy, chính phủ Việt Nam đã có ý định xây dựng nhà máy hạt nhân từ trước đây. Và để làm được điều này, trước tiên, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân nguyên tử, phát triển hệ thống hành chính và pháp lý liên quan đến năng lượng hạt nhân. Về vấn đề này, Nhật Bản đã và đang tiếp nhận các kỹ sư, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam, cũng như tích cực giúp đỡ việc hoàn chỉnh hệ thống pháp lý từ suốt hơn 10 năm nay. Kể cả bản thân tôi, dù trên phương diện cá nhân hay công việc chung cũng đều luôn hỗ trợ cho Việt Nam.

Thực tế là 4 tháng trước khi xảy ra sự cố 11/3, vào ngày 31/10/2010, Thủ tướng đương thời Naoto Kan đã đến thăm Việt Nam và cùng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thỏa thuận về việc xúc tiến hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân giữa hai nước. Nhật  Bản đã ký cam kết về việc trở thành đối tác trong việc xây dựng nhà máy phát điện thứ 2 dự kiến sẽ đặt tại Ninh Thuận (tạm thời trước mắt là hai lò phản ứng = 2 triệu KW). Sau ngày thỏa thuận này được ký kết, trong vòng 10 ngày kể từ 1/11/2010, tôi với danh nghĩa là Hội trưởng hội nghiên cứu chiến lược năng lượng đã dẫn đầu đoàn điều tra về năng lượng hạt nhân gồm 10 người tình nguyện đã sang thăm Việt Nam. Ngoài trung tâm nghiên cứu nguyên tử của Việt Nam tại Đà Lạt, chúng tôi đã tới thị sát địa điểm đặt nhà máy tại xã Vĩnh Hải tỉnh Ninh Thuận. Việc xây dựng nhà máy thứ nhất hợp tác với Nga sắp được xây dựng tại xã Phước Dinh (2 lò = 2 triệu kW) đã được quyết định. Theo dự định hai nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào đầu thập niên 2020.

Tại Đông Nam Á từ những năm 1970 Thái Lan, Philippines, Indonesia đã cố gắng xây nhà máy điện hạt nhân nhưng đều thất bại. Việt Nam là nước thứ 4, nếu ví như bóng chày thì cầu thủ thứ 4 là mạnh nhất. Thực sự, tôi rất muốn Việt Nam thành công. Nếu Việt Nam thành công, đây sẽ là sự kích thích, thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở các nước ASEAN khác, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, ... Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài, tuy nhiên nhờ vào việc rút kinh nghiệm từ bài học quý báu sau sự cố Fukushima, tôi mong rằng Nhật Bản sẽ xây dựng được một lò hạt nhân an toàn nhất thế giới, và thông qua đó tăng cường hơn nữa sự hợp tác với Việt Nam.

Về phía Việt Nam, tôi mong các bạn hãy tin tưởng vào khả năng thực sự của Nhật Bản, mong những thông tin này sẽ được chuyển tới mọi người dân nói chung.

Giống như dòng máu không thể thiếu đối với con người, năng lượng là nguồn huyết mạch của một quốc gia. Tôi thực sự mong rằng mọi người dân Việt Nam sẽ nhận thức được điều đó, tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết lập một hệ thống cung cấp năng lượng ổn định, giúp cho đất nước các bạn ngày càng phồn vinh và giàu mạnh.

                                   Người dịch: Đỗ Ánh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

(*): Tít bài do FinancePlus.vn đặt