Tăng cường hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

PV.

(Tài chính) Ngày 21/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương góp phần tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với sửa Luật Ngân sách nhà nước” tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2002 và có hiệu lực từ năm 2004. Qua 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Ngân sách nhà nước đã có vai trò quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thu chi ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Ngân sách nhà nước đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu, sử đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tính lồng ghép của hệ thống ngân sách với phạm vi thu, chi ngân sách, cơ chế phân cấp ngân sách hiện hành, phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương là chưa hợp lý. Khiến cho việc cân đối ngân sách giữa trung ương và địa phương khó khăn, nhất là trong điều tiết ngân sách trung ương ở các địa phương bị phân tán, khiến ngân sách trung ương luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”…

Nêu ra những khó khăn thách thức đối với việc đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong thời gian tới, nhóm tư vấn dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện cho biết: Áp lực đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiện rất lớn, tính bền vững của các khoản thu chưa cao. Mức độ động viên ngân sách có xu hướng giảm từ 26% GDP năm 2011 xuống còn 24% GDP năm 2013; tốc độ tăng thu giảm từ 29,4% năm 2010 xuống còn 19,2% năm 2013; quy mô tổng thu ngân sách trung ương từ 17,5% GDP năm 2004 xuống còn 14% năm 2012.

Không chỉ thu mà áp lực chi ngân sách cũng đặt ra rất lớn. Quy mô chi ngân sách nhà nước tăng trong khi chi đầu tư phát triển lại đang có xu hướng giảm. Trong ba khoản chi lớn là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, viện trợ thì chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng tăng lên qua các năm: Chi thường xuyên tăng từ 59,3% tổng chi năm 2011 lên 69,8% năm 2013; Chi đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm từ 26,4% năm 2011 xuống còn 20,4% năm 2013. Chưa kể, áp lực tăng chi ngân sách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đang có xu hướng mở rộng...

Thực vậy, thống kê của chuyên gia tư vấn dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - ông Lê Quang Thuận cho thấy, tổng chi ngân sách địa phương trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ 39,6% năm 2004 lên 47,2% năm 2012 (bao gồm cả số bổ sung cân đối); Quy mô chi của ngân sách trung ương đã giảm xuống từ 60,4% xuống 52,8% trong cùng giai đoạn. “Các địa phương ở Việt Nam đã có “nhiều quyền” hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương những năm gần đây trong tổng chi ngân sách nhà nước đã giảm mạnh, điều này đặt ra những thách thức nhất định khi nhìn nhận về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”, ông Thuận nói.

Để khắc phục những hạn chế trên cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tễ xã hội, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước phải đạt được mục tiêu hướng tới việc nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những bất cập về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương để đảm bảo phát huy tính chủ động của ngân sách chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng ngân sách, đồng thời đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.