Tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á

Trang Trần

(Tài chính) Chiều ngày 15/1, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao về quan hệ hợp tác giữa ADB với Việt Nam nói chung và với Bộ Tài chính nói riêng.

Tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc. Nguồn: FinancePlus.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp ngài Takehiko Nakao cùng các thành viên trong đoàn sang thăm và làm việc tại Bộ Tài chính. Đồng thời, Bộ trưởng đã gửi những lời chúc tốt đẹp tới Chủ tịch ADB nhân dịp tiếp nhận nhiệm vụ mới tại ADB.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển của Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các đối tác phát triển, trong đó ADB là một đối tác quan trọng. Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của ADB với các cơ quan Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính trong việc tài trợ nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và quản lý việc sử dụng vốn chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm an toàn nợ của Việt Nam.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, sự chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách của ADB đã giúp Chính phủ Việt Nam hoạch định và thực hiện nhiều chiến lược, chính sách quan trọng trong lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng.

Đối với Chương trình Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản trị công ty, nguồn vốn hỗ trợ của ADB là hết sức quan trọng, giúp các doanh nghiệp cải cách phương thức quản trị, tăng cường năng lực tài chính để triển khai thành công tái cấu trúc. Việc triển khai dự án trong lĩnh vực tái cơ cấu tài chính là lĩnh vực khó, không giống các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thông thường. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia ADB và nỗ lực của các doanh nghiệp tham gia dự án, Việt Nam sẽ triển khai thành công dự án đầu tiên và rút ra các bài học kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ dự án thứ hai.

Đại diện ADB, ngài Takehiko Nakao đánh giá cao sự hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và ADB. Đồng thời, Ngài cũng chúc mừng các thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Thêm vào đó, ngài Takehiko Nakao đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định của nền kinh tế và tái khẳng định sự hỗ trợ của ADB đối với Việt Nam để thực hiện tốt các năm còn lại trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 cũng như chuẩn bị hoạch định kế hoạch 5 năm tiếp theo 2016-2020.

ADB khuyến khích Chính phủ Việt Nam cân nhắc việc rút ngắn thời gian xử lý, phê duyệt các dự án, bố trí đầy đủ vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA để sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các đối tác mới trong và ngoài nước, khu vực công lẫn khu vực tư nhân, đề ra chiến lược huy động và sử dụng vốn tài trợ cho phát triển một cách hữu hiệu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự giúp đỡ và những góp ý của ADB và khẳng định: Bộ Tài chính đã có cách tiếp cận chiến lược đối với việc huy động nguồn vốn ưu đãi của ADB và các nhà tài trợ khác, một mặt ưu tiên dành nguồn vốn này cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trả nợ, đồng thời lựa chọn phương thức vay vốn phù hợp (vay đầu tư dự án hoặc vay hồ trợ ngân sách) để vừa bảo đảm các nhiệm vụ chi ưu tiên của ngân sách nhà nước, vừa thực hiện được mục tiêu an toàn nợ quốc gia.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới Ngài Takehiko Nakao và các thành viên trong đoàn. Bộ trưởng mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác và ủng hộ của ngài Takehiko Nakao cũng như những vị tiền nhiệm đối với công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam và Bộ Tài chính.

Tham dự cuộc họp này về phía Bộ Tài chính gồm Lãnh đạo các đơn vị có quan hệ hợp tác chặt chẽ với ADB: Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Vụ Hợp tác Quốc tế.

Việt Nam và ADB đã có nhiều chương trình, dự án hợp tác tốt trong thời gian qua trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tài chính vi mô (ví dụ các khoản vay chương trình chính sách cho phát triển hệ thống các tổ chức tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô) và đặc biệt là khoản vay Chương trình nhiều giai đoạn cho Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản trị công ty.