Tạo quyền tự chủ tài chính cho giáo dục đại học

Theo Báo Hải quan

Thời gian qua, việc đổi mới cơ chế tài chính đã tạo động lực quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh về những định hướng đổi mới tiếp theo trong lĩnh vực này.

Tạo quyền tự chủ tài chính cho giáo dục đại học
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh

Xin Thứ trưởng cho biết việc đổi mới cơ chế tài chính GDĐH công lập có tác động như thế nào trong thời gian qua?

Việc đổi mới cơ chế trong GDĐH công lập đã tạo cho các cơ sở GDĐH công lập quyền tự chủ hơn trong việc tuyển chọn nhân sự, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như về mặt tài chính. Đổi mới cơ chế tài chính cho phép gắn việc sử dụng kinh phí với kết quả hoạt động, các cơ sở GDĐH đã xây dựng quy chế chi tiêu riêng làm cho hoạt động tài chính của GDĐH dân chủ hơn và góp phần sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn, từ đó có nguồn để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Đó là tác động tích cực của việc đổi mới cơ chế tài chính thời gian qua.

Vấn đề nhiều trường quan tâm bây giờ là học phí. Tới đây, cơ chế tự chủ đối với vấn đề này như thế nào để các trường có thể áp dụng linh hoạt hơn?

Theo định hướng đổi mới, chi phí cho GDĐH phải tính đủ chi phí đào tạo. Vấn đề đầu tiên là khảo sát, tính toán sơ bộ để xác định mức chi phí đào tạo trong điều kiện bình thường đối với từng ngành học, sau đó tiến hành phân nhóm. Đối với những ngành nghề có khả năng xã hội hoá cao, người học có nhu cầu nhiều, ngân sách có thể hỗ trợ phần nào, còn lại sẽ cho phép các trường thu để đủ chi phí đào tạo, như thế mới đảm bảo được chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc thu này được phân biệt thành 2 phần: Phần đối với học sinh không thuộc diện ưu tiên, có đủ điều kiện và muốn được hưởng chất lượng giáo dục tốt thì sẽ bỏ ra số tiền lớn hơn trước đây để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt; phần những đối tượng như con em gia đình nghèo, con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa thì Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối với những ngành khoa học cơ bản, ngành xã hội, người học không có nhu cầu nhưng Nhà nước rất cần thì Nhà nước sẽ đặt hàng với các trường để đảm bảo không mất cân đối cơ cấu. Đó là một số định hướng dự kiến mà chúng tôi sẽ đề xuất với các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thưa Thứ trưởng, theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, lương của các đơn vị sự nghiệp nói chung và của đội ngũ giáo viên nói riêng tăng 20%/năm nhưng thực tế chất lượng giáo dục không tăng lên?

Chất lượng giáo dục chưa tăng kịp với tốc độ tăng tiền lương chứ không phải không tăng. Bởi lẽ, lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng năm, mặc dù được ưu tiên, nhưng cũng không tăng được nhiều. Nếu muốn tăng chất lượng giáo dục thì đòi hỏi phải có thêm nguồn lực và từ đó có nguồn để khuyến khích đội ngũ giảng viên, tăng chi phí đầu tư trực tiếp cho người học, tất cả các chi phí phục vụ trực tiếp cho học sinh. Như vậy, sự “tăng” sẽ đồng bộ!

Việc tăng nguồn lực sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là nguồn thu thấp nên các trường buộc phải tuyển nhiều, số lượng sinh viên trên lớp đông, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tất nhiên, muốn tăng chất lượng giáo dục đòi hỏi những giải pháp tổng thể toàn diện nhưng ở góc độ cơ chế tài chính, chúng tôi cho rằng ngoài nguồn lực ngân sách đã ưu tiên nếu tăng được nguồn lực ngoài xã hội từ những người học có khả năng đóng góp thì chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!