Thứ trưởng Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc cho Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ngày 4/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Cùng dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh và đại diện một số đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc cho Hải quan TP. Hồ Chí Minh
Cục Trưởng Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo vướng mắc với Đoàn công tác. Nguồn: internet

Nhiều vướng mắc phát sinh

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, trong những tháng đầu năm, đơn vị đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ chính trị, như: triển khai VNACCS/VCIS; thu ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc ảnh hưởng đến công tác quản lý hải quan, cũng như thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. 

Trong đó, đối với hàng bách hóa Trung Quốc nhập khẩu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh triển khai đợt cao điểm kiểm tra, với phương châm quản lý chặt chẽ nhưng phải đảm bảo thông quan hàng hóa một cách thuận lợi. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu về các cảng biển lại giảm hẳn. Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý Bùi Lê Hùng, hàng bách hóa Trung Quốc tồn đọng tại cảng biển tháng 2 là 185 container; tháng 3 còn 180 container và đầu tháng 4 còn tồn đọng 140 container. 

Lãnh đạo một số chi cục, phòng chức năng của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo với Đoàn công tác về các vướng mắc liên quan đến Thông tư 22 về VNACCS/VCIS, Thông tư 29 về tham vấn giá; Thông tư 15 về xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển, hàng không, chuyển phát nhanh; triển khai VNACCS/VCIS; tập kết hàng hóa xuất khẩu; hủy tờ khai; hàng bách hóa Trung Quốc...

Liên quan đến Thông tư 29, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Nguyễn Đình Nam cho biết, trong năm 2013, Phòng thuế xuất nhập khẩu thực hiện tham vấn gần 8.000 tờ khai hải quan, trong đó bác bỏ trị giá khai báo trên 50% tờ khai. Đối với công tác tham vấn giá, hiện tại là quản lí rủi ro về giá là quản lí rủi ro về mặt hàng. Nhưng Thông tư 29 lại chuyển quản lí rủi ro về doanh nghiệp, với quy định 7 mức tình trạng doanh nghiệp. Quyền chủ động trong việc tham vấn giá thuộc về doanh nghiệp. Các thông tin doanh nghiệp không đến tham vấn, không xuất trình hồ sơ… nhưng lại không bị ràng buộc trách nhiệm gì, hàng hóa vẫn được thông quan. Các thông tin nghi vấn chuyển cho sau thông quan sẽ là gánh nặng cho lực lượng hậu kiểm.

Ở góc độ kiểm tra sau thông quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công tác Kiểm tra sau thông quan kiểm tra quá trình hoạt động của doanh nghiệp để phát hiện những sai sót, sơ hở, còn theo Thông tư 29 cứ làm theo sự vụ nghi vấn của Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển thì rất khó, trong đó, cứ 1-2 tờ khai lại kiểm tra doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc kiểm tra sau thông quan kiểm tra tại trụ sở hải quan như quy định tại Thông tư 29 giống như công tác phúc tập tờ khai tại cửa khẩu. Ông Tuấn đề xuất cần phân định rõ trách nhiệm kiểm tra sau thông quan, không chỉ ở Chi cục Kiểm tra sau thông quan.

Về hàng bách hóa, qua kết quả kiểm tra của Hải quan TP. Hồ Chí Minh  đã thấy rất rõ nguy cơ hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng cấm… ảnh hưởng đến sức khỏe con người chứ không chỉ gian lận thuế, nên cần phải triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Tỷ lệ vi phạm rất lớn, 70% số tờ khai kiểm tra có vi phạm. Cần tuyên truyền kết quả làm được và phải kiểm tra mạnh, chặt chẽ tại các cửa khẩu trong cả nước, cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Ông Trần Bá Tùng, Phó đội trưởng Phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan cho rằng số lượng hàng bách hóa NK giảm đáng kể. Các cửa khẩu làm hàng bách hóa trong 3 tháng đầu năm 2014 chỉ khoảng 50-60 tờ khai hải quan, bằng khoảng 1 tháng trước đây.

Phần lớn hàng bách hóa Trung Quốc phải kiểm tra 100%, gây khó khăn cho các đơn vị trong điều kiện: bãi kiểm tra hẹp, hàng hóa phức tạp, thời gian kiểm tra từ 1-2 ngày, kết thúc một vụ việc phải mất 1-2 tuần, giám định, xác định giá… sẽ phát sinh chi phí, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Mặt hàng Trung Quốc khai báo rất chung chung, khó khăn trong việc xác định hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ đối với những chủ thể quyền không đăng kí bảo hộ tại biên giới với cơ quan Hải quan.

Gỡ ngay các vướng mắc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã giải đáp ngay một số vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về VNACCS/VCIS; tờ khai chuyên ngành, mang hàng về bảo quản; hủy tờ khai…, đồng thời ghi nhận một số bất cập trong các thông tư mới để xem xét kiến nghị bổ sung.

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, liên quan đến vấn đề tập kết hàng hóa trước khi xuất khẩu, bộ đã có văn bản tháo gỡ. Các đơn vị hải quan địa phương cần ưu tiên cho hàng xuất khẩu, khâu quan trọng nhất là nắm tình hình doanh nghiệp làm cơ sở để Hải quan kiểm tra.

Đối với việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh rà soát lại các doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử trên địa bàn xem doanh nghiệp nào chưa đăng kí chữ kí số, chưa được cấp mật khẩu tham gia VNACCS/VCIS thì vận động doanh nghiệp tham gia. Có thể tham khảo mô hình mà Cục Hải quan Hải Phòng đang triển khai khá hiệu quả là triển khai dịch vụ cung cấp ngay tại các chi cục để có sự hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, hàng bách hóa đúng là rất đa dạng, cần tăng tỷ kiểm tra, nhưng nên xem xét đặt trọng tâm ở khâu nào. Không ngại tăng chi phí, thời gian thông quan vì qua việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay tại cửa khẩu sẽ tạo hàng rào bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cải cách thủ tục thể hiện ở thủ tục hải quan điện tử, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã xử lý rất nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Trong quá trình chuyển đổi cách thức quản lý sẽ có những thách thức, đặc biệt sắp tới Quốc hội thông qua Luật Hải quan sửa đổi, đưa vào thực hiện VNACCS/VCIS trong khi chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp, thay đổi cơ cấu con người… nhưng yêu cầu vẫn phải làm, nên thách thức sẽ rất lớn, khó khăn rất nhiều, vì thế cần phải có giải pháp cơ bản, phù hợp với thực tế.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn kết luận 10 vấn đề liên quan đến các kiến nghị, vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, liên quan đến VNACCS, cần thúc đẩy bộ phận chuyên môn để sớm kết nối với Emanifest, hình thành đại lý hải quan. Trên cơ sở triển khai VNACCS ở Hải quan Hà Nội và Hải Phòng, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành xử lý các vướng mắc phát sinh, các đơn vị Hải quan địa phương chưa triển khai nên tham gia rút kinh nghiệm ở những đơn vị này.

Thứ trưởng đồng tình với ý kiến của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tập kết hàng, khi có hàng rồi mới thực hiện phân luồng. Tuy nhiên, cần chú ý phân loại doanh nghiệp, tập trung quản lý nhóm doanh nghiệp rủi ro cao, đồng thời phải có giải pháp căn cơ hệ thống phân luồng vào khi nào, phân luồng như thế nào.

Những vướng mắc trong Thông tư 29, Thứ trưởng nhất trí sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư 29 và Thông tư 128 về kiểm tra sau thông quan, nộp khoản bảo đảm đối với hàng phải tham vấn giá...