Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác Hà Lan

BD

Sáng ngày 6/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà có buổi tiếp và làm việc với ông H.W.J. Henk Ovink - Đặc phái viên các vấn đề về nước của Hà Lan cùng đoàn công tác. Tham dự buổi làm việc còn có bà Elsbeth Akkerman, Tân Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà trao đổi với đoàn công tác Hà Lan
Thứ trưởng Trần Xuân Hà trao đổi với đoàn công tác Hà Lan

Chào mừng đoàn công tác sang thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, đây là dịp để hai bên trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm về triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vừng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Tìm hiểu về các nỗ lực hiện nay trong nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất với Chính phủ Việt Nam việc thành lập Quỹ Phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Trao đổi về khoảng cách nguồn lực tài chính dành cho lĩnh vực nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng; Cũng như các dự kiến về chính sách của Bộ Tài chính để thu hẹp khoảng cách này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tiếp và làm việc với đoàn công tác Hà Lan - Ảnh 1
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và các thành viên đoàn công tác Hà Lan

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, là một chương tình lớn có ý nghĩa thiết thực, nhưng đòi hỏi phải có nguồn lực và cách thức triển khai có hiệu quả.

Hiện nay, cơ chế tài chính cho vùng ĐBSCL có 2 kênh chủ yếu gồm nguồn ngân sách cấp phát và huy động vốn từ khu vực tư nhân. Trong đó, nguồn ngân sách cấp phát bao gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương. Tổng nguồn vốn phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ báo cáo Quốc hội, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là gần 18% nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương trong cả nước; Vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 16% tổng vốn các địa phương trong cả nước. Trong đó, bố trí vốn đầu tư cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh với tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng, trong đó có cấu phần phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL.

 “Để đáp ứng yêu cầu đề ra, cần phải đổi mới phương thức và có cơ chế phân bổ vốn phù hợp để thực hiện chương trình 120 này một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ vai trò của các bộ ngành trong việc điều phối các dự án, nếu không xác định rõ trách nhiệm thì rất có thể dẫn tới chồng chéo; cũng như cần xác định rõ các dự án nào cần đầu tư thực hiện bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện”. Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Đối với thành lập Quỹ phát triển bền vững và Quỹ Đa phương ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu việc thành lập Quỹ Phát triển bền vững ĐBSCL. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm vốn điều lệ do ngân sách trung ương cấp (trong đó gồm nguồn vốn ODA và vay ưu đãi), nguồn vốn huy động, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định nhằm đầu tư hỗ trợ các dự án, chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

 “Yếu tố quan trọng là phải xác định được nội dung sử dụng vốn, nguồn vốn của quỹ này cho phù hợp, các dự án thực hiện trong quỹ này phải khác với nguồn vốn cấp phát từ ngân sách và Bộ Tài chính đề nghị phía Hà Lan có những tư vấn chính sách trong lĩnh vực này” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông H.W.J. Henk Ovink - Đặc phái viên các vấn đề về nước của Hà Lan đánh giá cao tiến độ, cách thức triển khai của Việt Nam trong việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.

Ông H.W.J. Henk Ovink cho rằng, việc thành lập Quỹ phát triển bền vững tập trung sẽ đáp ứng được vai trò quan trọng trong quá trình triển khai chương trình này. Điều này sẽ giúp cho cơ chế phân bổ nguồn lực, các mục tiêu, cách thức quản trị và phối hợp của các bộ, ngành sẽ tốt hơn.

 “Trước đây, Hà Lan cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự, là đất nước nằm trên vùng đồng bằng, phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sự phát triển, vì vậy chúng tôi có tầm nhìn chiến lược dài hạn, cũng như vạch ra những giai đoạn ưu tiên cụ thể từ 30-50 năm. Tuy nhiên, các chương trình không phải cứng nhắc mà được điều chỉnh phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi của môi trường, cũng như xác định các phương án, cơ chế triển khai chương trình hiệu quả” - ông H.W.J. Henk Ovink chia sẻ.

Đối với quỹ hoạt động để triển khai chương trình có cơ chế quay vòng, sau 1 năm sẽ được bổ sung tiếp nguồn lực vào quỹ, như vậy các chương trình luôn có nguồn vốn dự phòng để đảm bảo tính linh hoạt và vững chắc. Cùng với đó sẽ vạch ra các dự án cụ thể có tầm quan trọng để triển khai thực hiện. Để tạo sự minh bạch, hằng năm các bộ ngành từ trung ương đến địa phương đều có tổng kết, đánh giá để tiếp cận mang tính bền vững.

Theo bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan, ĐBSCL là một trong những vùng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, bà Elsbeth Akkerman cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần sự hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó, Hà Lan đã trải qua nhiều kinh nghiệm trong xử lý tính trạng này.

“Hà Lan cam kết sẵn sàng tiếp tục phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam trong việc nghiên cứu cơ chế tài chính để thực hiện chương trình này trong thời gian tới” - Đại sứ Elsbeth Akkerman khẳng định.