Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp tiếp và làm việc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực kiểm toán quốc tế

Trang Trần

(Tài chính) Chiều ngày 18/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do ông Arnold Schilder - Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (IAASB) dẫn đầu về các vấn đề liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp và sự hợp tác giữa Liên đoàn kế toán thế giới (IFAC) và Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp tiếp và làm việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Nguồn: FinancePlus.vn
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp tiếp và làm việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Nguồn: FinancePlus.vn
Tham dự buổi làm việc gồm có đại diện lãnh đạo hai bên. Về phía Đoàn Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực kiểm toán quốc tế gồm có ông Arnold Schilder - Chủ tịch IAASB, ông Jörgen Holmquist - Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế (IESBA), ông Jim Sylph - Giám đốc điều hành về chuẩn mực nghề nghiệp của IFAC. Về phía Bộ Tài chính gồm có Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng - Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán cùng các lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp chào mừng Đoàn Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã có chuyến thăm tới Việt Nam và làm việc với Bộ Tài chính. Thứ trưởng cho biết, kiểm toán độc lập ở Việt Nam đã có hơn 20 năm hoạt động và đã có những bước phát triển đáng kể, đạt được những kết quả quan trọng và đáng khích lệ.

Kế toán và kiểm toán được xác định là một trong những công cụ đắc lực góp phần làm minh bạch thị trường tài chính, tăng niềm tin của công chúng và thu hút vốn đầu tư. Việt Nam cũng đã có Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) tham gia là thành viên chính thức của IFAC từ năm 1999 đến nay.

Thứ trưởng nhấn mạnh, buổi gặp hôm nay là một cơ hội tốt để được lắng nghe thông tin cập nhật về các hoạt động của Liên đoàn kế toán thế giới, Ủy ban chuẩn mực kiểm toán quốc tế, và Ủy ban chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán quốc tế và trao đổi các vấn đề liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp và sự hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá cao những thành tựu về lĩnh vực kế toán, kiểm toán đóng góp cho cả cộng đồng của IFAC. Đồng thời, Bộ Tài chính rất mong IFAC sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển của ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam nói chung và mối quan hệ giữa IAASB và IESBA với Bộ Tài chính nói riêng trong thời gian tới. Đặc biệt là giúp cho Việt Nam ban hành các chuẩn mực chưa có và cập nhật hệ thống chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam đã ban hành đảm bảo tuân thủ chuẩn mực quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Jim Sylph bày tỏ niềm vui mừng và cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Thứ trưởng và vinh dự khi được đến Việt Nam thúc đẩy chuẩn mực kiểm toán mới. Ông Jim Sylph mong muốn sẽ có cơ hội làm việc với Việt Nam về các chuẩn mực kiểm toán mới trên 4 lĩnh vực: kiểm toán công, giáo dục, đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực kiểm toán.

Ông Jim Sylph cũng khẳng định, Đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, ban hành chính sách của Việt Nam xây dựng và ban hành các chuẩn mực chưa có và cập nhật hệ thống chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam đã ban hành đảm bảo tuân thủ chuẩn mực quốc tế nhằm đưa chuẩn mực kiểm toán mới thành chuẩn mực chung trên toàn thế giới.

Từ năm 1999 đến năm 2005, Việt Nam đã ban hành 36 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và 01 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam trên cơ sở hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế và 01 chuẩn mực kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là chuẩn mực được ban hành theo yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Việt Nam hiện đang trong quá trình soạn thảo, cập nhật toàn bộ hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế ban hành năm 2009. Trong đó:

Năm 2012, đã hoàn thành việc soạn thảo, cập nhật 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Dự kiến đến năm 2014, Việt Nam sẽ hoàn thành việc cập nhật và nghiên cứu, soạn thảo, ban hành bổ sung 11 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong đó có một số chuẩn mực kiểm toán chưa được ban hành trong giai đoạn từ năm 1999 - 2005, cập nhật chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán và cập nhật chuẩn mực Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là chuẩn mực đặc thù của Việt Nam.